Dân chui qua “lỗ” kính để gặp cán bộ: Tiếp dân theo kiểu “xin-cho"
VOV.VN - Phải chăng quyết tâm tạo sự đột phá trong cải cách hành chính còn có rào cản từ chính tư duy, nhận thức của cơ chế “xin-cho”.
Suốt tuần qua, hình ảnh người dân phải chui qua “lỗ” kính để làm việc với cán bộ ở phòng đăng ký tiếp dân UBND tỉnh Nam Định gây nhiều phản ứng trong dư luận. Nó phản ánh một thực tế rằng, không dễ dàng gì để người dân đến được “cửa quan”; để họ được thể hiện cái “quyền” làm việc với cán bộ khi có việc phải đến cơ quan công quyền.
Ảnh cắt từ clip tại phòng đăng ký tiếp dân UBND tỉnh Nam Định |
Nó cho thấy, ý thức coi thường dân vẫn ngự trị trong nhận thức của một bộ phận cán bộ; cho thấy các quy định của pháp luật về tiếp dân, những yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính dường như chưa đến được những nơi như thế này. Và nó cũng cho thấy trách nhiệm chưa đầy đủ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong công tác tiếp công dân ở cơ sở.
Người dân phải nhoài người chui qua “lỗ” kính khi trình bày công việc; cán bộ, thì có người xem điện thoại; bàn tiếp dân để cách xa “lỗ” kính, và quanh đó là nhiều người dân, tay cầm hồ sơ, giấy tờ, mắt thì sốt ruột hướng vào cán bộ tiếp dân qua tấm kính chắn.
Những hình ảnh đó được ghi lại tại trụ sở tiếp công dân của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định. Dù rằng, lãnh đạo văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết sẽ làm rõ ý đồ, mục đích của người phản ánh và khẳng định, cán bộ tiếp dân đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ; dù rằng, không có quy định ở nơi tiếp dân phải kê bàn ghế thế nào, có vách kính ngăn hay không, nhưng chỉ như vậy thôi đã thấy có sự thờ ơ, lơ là “tiếp cho xong việc” của cán bộ tiếp dân; có sự lộn xộn, thiếu tôn trọng lẫn nhau ở nơi lẽ ra phải rất nghiêm ngắn, chuẩn mực. Và câu chuyện ở Nam Định, có thể chưa phải là hy hữu!
Người dân có quyền đặt câu hỏi, vì sao có thực trạng này trong khi Đảng, Nhà nước coi tiếp dân là một kênh thông tin quan trọng; trong khi Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu “các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống chính trị các cấp cần đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”? Phải chăng người đứng đầu nhiều nơi chưa quan tâm các vấn đề bất an trong xã hội, chưa thực hiện việc đối thoại, gặp gỡ người dân, sâu sát cơ sở; chưa coi tiếp dân là văn hóa của lãnh đạo, chính quyền địa phương, chưa coi trọng công tác bố trí cán bộ tiếp công dân?
Phải chăng những quy định về trách nhiệm, về đạo đức công vụ chưa thấm đến cán bộ lãnh đạo, cán bộ tiếp dân nên còn chuyện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại, thậm chí là sợ tiếp dân? Phải chăng những nghị quyết, quyết định nhằm xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang còn “rong chơi” đâu đó, đang đứng ngoài “vách kính ngăn” của nơi tiếp dân? Phải chăng quyết tâm tạo sự đột phá trong cải cách hành chính còn có rào cản từ chính tư duy, nhận thức của cơ chế “xin-cho” nên cán bộ tiếp dân tự cho mình cái quyền ban phát, quan liêu, hách dịch với dân, mà quên rằng, trách nhiệm, nghĩa vụ của họ là phục vụ và người dân là đối tượng được phục vụ?
Hoạt động tiếp dân luôn được coi là cầu nối giữa lãnh đạo, cán bộ với nhân dân, là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế đã minh chứng rằng, tiếp dân mới nghe được dân nói; mới biết dân cần gì, búc xúc những gì, góp ý những gì.
Có tiếp dân mới đưa ra được chủ trương đúng, quyết sách đúng, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Có tiếp dân mới phát hiện được những việc làm sai, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, làm tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền, mới hoàn thiện được đội ngũ cán bộ của Đảng. Có tiếp dân, mới gỡ được nút thắt trong nhiều vụ việc phức tạp; góp phần quan trọng giải tỏa những ẩn ức trong dân, hạn chế điểm nóng và xung đột xã hội.
Nhưng công tác tiếp dân chỉ thực sự hiệu quả khi người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Luật Tiếp công dân, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tiếp dân. Điều đó một lần nữa được nhấn mạnh tại Quy định số 11, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Quy định đã có, trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu trong công tác tiếp dân cũng rõ ràng hơn, nhiều ràng buộc hơn. Vậy nên, nếu như còn câu chuyện người dân phải chui qua “lỗ” kính nơi tiếp công dân; nếu như có sự tùy tiện khi giải quyết vướng mắc của dân; nếu như còn thái độ tiếp cho xong việc, thì rõ ràng, cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân. Bởi, khi trách nhiệm người đứng đầu được xử lý nghiêm túc; khi lãnh đạo gần dân, hiểu dân thì mới giải quyết được những việc người dân cần; mới xây dựng được nền hành chính của dân, do dân và vì dân./.
Tiếp dân qua lỗ cửa ở Nam Định: Trưởng Ban tiếp công dân TƯ nói gì?