Đảng cần những tấm gương thực thụ như nhà lãnh đạo Đỗ Mười
VOV.VN -Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dù đã yên nghỉ nhưng tấm gương của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, trong sự yêu mến, kính trọng và tri ân.
Tuần qua, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII kết thúc cũng là lúc, đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng hướng về thủ đô, dõi theo lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cả cuộc đời “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” như lời điếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người tin rằng, nếu đảng ta có đa số cán bộ lãnh đạo có phẩm chất đạo đức như ông Đỗ Mười thì có lẽ, Trung ương không cần thiết phải thảo luận thêm một Quy định mới về trách nhiệm nêu gương.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã yên nghỉ nhưng tấm gương của ông vẫn còn đó trong lòng nhân dân. |
Đọc, hiểu để thêm tự hào vì trong những thời điểm cực kỳ cam go của đất nước, đối diện với nghèo đói và nguy cơ “đổi màu”, chúng ta đã có một nhà lãnh đạo vững vàng, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Ông đã cùng với tập thể Bộ Chính trị chèo lái con thuyền đất nước lần lượt vượt qua ghềnh thác để đến hôm nay, chúng ta không những trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình mà còn hội nhập một cách tự tin với thế giới.
Nhưng điều đáng quý hơn cả ở nhà lãnh đạo lão thành Đỗ Mười, ấy là cả cuộc đời ông đã dành để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không màng đến lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, thanh bạch và giản dị. Trong lời điếu đọc tại lễ truy điệu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo luôn “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống giản dị khiêm tốn, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, tổ quốc và nhân dân lên trên hết... Tổng Bí thư khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chính là “tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, học tập, và noi theo”.
Hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố gắng làm và cái gì có hại cho nước, cho dân thì hết sức tránh. Mẫu hình lãnh đạo như ông Đỗ Mười cũng là mẫu hình mà nhân dân đang mong mỏi và kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo hôm nay. Nhân dân sáng suốt lắm. Họ không tin và không muốn trao truyền trách nhiệm lãnh đạo cho những “công bộc” mà “nói một đằng, làm một nẻo”, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử lại xuất hiện những con người lịch sử. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dù đã yên nghỉ nhưng tấm gương của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, trong sự yêu mến, kính trọng và tri ân. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, lại xuất hiện những nhà lãnh đạo đức độ, vừa có tâm, vừa có tài nhưng nhân dân cũng chưa thể yên lòng khi còn một bộ phận “cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thực sự gương mẫu.... Những cán bộ cấp cao, nhất là cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật đảng, bị xử lý hình sự tác động ghê gớm đến niềm tin của nhân dân.
Không phải ngẫu nhiên, Trung ương lại thảo luận một quy định mới về trách nhiệm nêu gương, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ tinh hoa gần 200 Ủy viên Trung ương, mong họ luôn tự “soi vào bản thân mình”, gương mẫu đi đầu để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn đảng. Rõ ràng, cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn. Sự nêu gương của họ có giá trị hơn những phong trào rộng lớn./.
E-Magazine: Cán bộ cấp cao nêu gương sẽ lan tỏa mạnh trong toàn xã hội
Hội nghị T.Ư 8: Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Ông Vũ Mão: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đang bị buông lỏng