Đau lòng nhìn những con số về tai nạn giao thông
VOV.VN -Nguyên nhân cơ bản của TNGT vẫn xuất phát từ sự coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của chính người tham gia giao thông.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tình hình giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định, thông suốt và an toàn, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng với xe khách, xe tải.
Mặc dù được đánh giá là giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với Tết Quý Tỵ, nhưng 9 ngày nghỉ tết từ 28 đến mùng 6 Tết Giáp Ngọ, cả nước vẫn xảy ra 338 vụ tai nạn giao thông, làm chết 286 người, bị thương 324 người.
Bệnh nhân, người nhà và bác sỹ chen nhau trong buồng bệnh (Ảnh chụp chiều mùng 4 Tết tại BV Việt Đức, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đi thăm bệnh nhân TNGT. (Ảnh:Vietnamnet) |
Điều đáng nói là sau nhiều nỗ lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông... thì những con số đau lòng này cho thấy tai nạn giao thông vẫn luôn ở mức cao, là nỗi lo lắng của cả xã hội.
Người dân hẳn đã rất vui cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khi thấy ông cười rất tươi trong buổi đi chúc Tết công nhân thi công đường nối Nhật Tân – Nội Bài, được họ hứa sẽ cố gắng đưa công trình về đích trước tiến độ. Tuy nhiên, cũng qua các phương tiện truyền thông, người dân thấy ông Bộ trưởng không thể cười nổi khi đến thăm Khu hồi sức cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chứng kiến cảnh các y - bác sĩ đang vất vả giành giật sự sống cho những người bị thương nặng do tai nạn giao thông.
Cười sao được khi những nạn nhân tai nạn giao thông thập tử nhất sinh vẫn liên tục được chuyển vào phòng cấp cứu hàng giờ ở các bệnh viện trong cả nước.
Điều đáng nói là qua khảo sát các trường hợp tai nạn giao thông vào Bệnh viện Việt Đức thì “100% các ca cấp cứu đều liên quan đến uống bia rượu và điều khiển phương tiện ở các tuyến đường liên thôn, liên xã”. Thật đau lòng khi đây là những vấn đề đã được cảnh báo, nhắc nhở trong các chỉ thị, công điện trước Tết; công tác bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông luôn được các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể đưa vào chỉ tiêu nghị quyết, cam kết thi đua hẳn hoi.
Sau những cái chết là sự ăn năn đầy nuối tiếc với những từ “nếu như”, “giá mà”, “có thể” được thốt ra. Sự nuối tiếc đó cho thấy sự thật đau lòng là: Một phút vui chơi quá đà trong ngày Tết đã khiến nhiều người tự cho mình cái “quyền” bất chấp pháp luật về an toàn giao thông. Cái “quyền” đó đã trực tiếp tước bỏ quyền được đi lại an toàn của chính bản thân họ và gián tiếp đe dọa sinh mạng của những người khác cùng lưu thông trên đường. Có đi trên đường trong những ngày Tết mới thấy không ít người tự cho phép mình sử dụng những “quyền” ấy để đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, lại chở kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng; lái xe ô tô khi đã uống rượu bia, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu... gây ra tai nạn.
Vì vậy, tại cuộc họp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chiều qua (7/2), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới rất nặng nề. Ông cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại các vùng nông thôn, nhất là cho thanh niên; xử lý nghiêm các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe và tài xế vi phạm các điều kiện an toàn. Mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cần biến những ý kiến chỉ đạo sát sao, cụ thể của người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trở thành hiện thực, giảm nhanh tình trạng tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Công việc nặng nề ấy đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể. Nhưng trước hết, mỗi người dân, xin đừng vì một lý do nào đó mà tự tước bỏ quyền được tham gia giao thông an toàn cho bản thân mình và những người khác!./.