Đầu tư condotel: Ranh giới chủ nợ thành con nợ rất mong manh!
VOV.VN - Là người mang tiền đi đầu tư nhưng nhiều khách hàng đã và đang có nguy cơ trở thành con nợ, condotel của mình nhưng ngân hàng là chủ sở hữu.
Khoảng 5 năm trở lại đây, condotel bắt đầu phát triển và bùng nổ ở Việt Nam. Sau một thời kì phát triển quá nóng, condotel đã bộc lộ một số thiếu sót trong quản lý và pháp lý. Thị trường căn hộ nghỉ dưỡng khá trầm lắng với việc không có dự án mới và nhiều dự án bị chậm tiến độ mở bán. Trong khi đó, rất nhiều dự án bị rút ra khỏi thị trường hoặc kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc pháp lý.
Dự án condotel Cocobay Đà Nẵng (Ảnh: KT) |
Công thức chung cho những lời chào mời đầu tư condotel là: Công ty bất động sản mời bạn mua ngôi nhà 10 tỷ bạn chỉ cần trả 3 tỷ. Họ sẽ thu xếp với ngân hàng cho bạn vay 7 tỷ mà không cần quan tâm lãi phải trả cho ngân hàng vì bạn được hưởng ân hạn trong 1 năm đến 18 tháng. Công ty này cam kết sẽ thuê lại ngôi nhà đó để kinh doanh và trả tiền cho bạn đủ để bạn trả lãi ngân hàng đồng thời có thêm một khoản lợi nhuận bỏ túi. Một món đầu tư quá hời đã khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp “mờ mắt” đưa tiền cho chủ đầu tư xây dựng và khai thác dự án.
Về bản chất, khách hàng đã làm thay phần việc của chủ đầu tư là vay vốn ngân hàng. Lẽ ra công ty bất động sản phải đứng ra vay tiền và trả lãi ngân hàng nhưng việc này hoàn toàn do khách hàng gánh. Mật ngọt mà họ rót vào tai khách hàng là "được hưởng ân hạn không phải lãi trong vòng 1 năm hay 18 tháng đầu". Thế nhưng, bản chất ở đây là các công ty bất động sản chỉ trả lãi phần vốn mà họ sử dụng còn nợ ngân hàng thì do khách hàng đứng tên.
Khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động khai thác, nếu có sổ hồng thì ngân hàng cầm, còn nhà thì theo thỏa thuận là sẽ do công ty bất động sản sử dụng kinh doanh (theo quảng cáo là bạn không cần phải lo việc quản lý, sử dụng, chỉ việc thu lời và được đến đây nghỉ bất cứ khi nào bạn muốn).
Trường hợp công ty bất động sản kinh doanh thua lỗ, bạn tiếp tục là người phải gánh lãi vay ngân hàng, tài sản của bạn có thể bị ngân hàng siết nợ bất kỳ lúc nào. Thực tế thì đến lúc này, ngân hàng mới là chủ thực của ngôi nhà đó.
Với loại hình đầu tư condotel, về nguyên tắc, chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp phải cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh.Thế nhưng, thực tế hiện nay, vướng mắc pháp lý về quản lý, sử dụng, kinh doanh… condotel vẫn chưa được tháo gỡ nên việc đầu tư vào thị trường này thực sự rất mạo hiểm. Sự việc xảy ra hồi tháng 5/2019 là một ví dụ điển hình.
Thành phố Đà Nẵng đã đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ đã cấp sở hữu lâu dài cho một dự án condotel khiến các nhà đầu tư bất động sản "chao đảo", đặc biệt là với các dự án condotel, biệt thự biển lâu nay vẫn được quảng cáo là có sổ đỏ lâu dài.
Mới đây nhất, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng- Cty Thành Đô phải thông báo chấm dứt chi trả lãi suất 12%/năm từ 1/1/2020 cho khách đã mua condotel ở dự án này khiến nhiều người "sốc" toàn phần.
Khi xảy ra rủi ro như vậy thì phần thiệt thòi chắc chắn các khách hàng là người phải chịu, nguy cơ phá sản hoặc lâm cảnh nợ nần là điều dễ thấy. Và với thực trạng hiện nay liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng condotel?./.
Cam kết lợi nhuận từ dự án condotel, chỉ Việt Nam mới có