Để không còn những Vũ “nhôm”, Út “trọc” trong tương lai
VOV.VN -Những Vũ “nhôm”, Út “trọc” hôm nay đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng mong muốn lớn hơn từ dư luận là làm thế nào để không sản sinh ra những Út “trọc”, Vũ “nhôm” khác…
Trong những ngày qua, hai phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc", cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và phiên tòa xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án mà còn liên quan đến hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh trong ngành công an, quân đội.
Những cán bộ, tướng lĩnh ngành công an và quân đội có liên quan bước đầu đều đã bị xử lý nghiêm khắc và các cơ quan chức năng đang trong quá trình chuẩn bị các bước xử lý tiếp theo.
Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ (trái) và Phan Anh Vũ |
Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc về xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian vừa qua. Việc xử lý cán bộ vi phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; cán bộ, tướng lĩnh trong các ngành bấy lâu nay được được coi là “nhạy cảm” như công an, quân đội, lại một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng ta là không có bất kỳ “vùng cấm” nào trong xử lý cán bộ. Bất cứ ai, khi đã sai phạm, có khuyết điểm trong việc quản lý đất nước, quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân thì dù ở cấp nào cũng đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xử lý cán bộ trong thời gian vừa qua cũng cho thấy, các sai phạm đã trỏ rõ đến từng cá nhân, được công khai trước dư luận, không còn tình trạng “lỗi của cả tập thể” hoặc “xử lý nội bộ” như trước đây chúng ta vẫn từng thấy. Đảng ta đã làm việc từng bước hết sức thận trọng, bài bản, cân nhắc công tội rõ ràng, xử lý đúng người đúng tội để những người mắc sai phạm cũng “tâm phục, khẩu phục”.
Quyết tâm và hành động của Đảng đã và đang được người dân ủng hộ. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ ngày càng được củng cố và tăng cường, tạo khí thế phấn khởi, lan tỏa, là động lực để mọi người tích cực, hăng say trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Người dân phấn khởi vì những cán bộ sai phạm đã được xử lý nghiêm minh, kể cả cán bộ cấp chiến lược, nhưng cũng không khỏi trăn trở, giá như có cơ chế kiểm soát tốt cán bộ để có thể ngăn chặn ngay từ đầu những sai phạm thì sẽ đỡ đau xót hơn nhiều việc hôm nay phải xử lý họ. Nếu như làm tốt công tác tuyển dụng, đề bạt, không đưa những người này vào các vị trí lãnh đạo, thì hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng “mồ hôi nước mắt” của dân không bị thất thoát, hay chí ít là không phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của để điều tra, thu hồi tài sản thất thoát.
Chúng ta đã có rất nhiều các quy định, quy chế về tuyển dụng, đề bạt cán bộ. Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức nhiều cấp, nhiều ngành đã và đang tìm nhiều giải pháp để ngày càng hoàn thiện các quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ một cách chặt chẽ, dân chủ, công khai.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều “lỗ hổng” trong công tác cán bộ dẫn đến việc để lọt vào hàng ngũ cán bộ, đảng viên những Út “trọc”, Vũ “nhôm”... Nếu không có “lỗ hổng” thì một kẻ như Út “trọc” không thể lọt vào một ngành quan trọng như thế, tác oai tác quái cả chục năm trời với nhiều trò ma mãnh, dùng bằng giả để tăng lương thăng chức, thế chấp xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A, làm giả giấy tờ… qua mắt nhiều tầng nấc kiểm soát nghiêm ngặt như trong ngành quân đội. Và nếu không có “lỗ hổng” thì khó có ai có thể nâng đỡ, tiếp tay hoặc bao che cho những kẻ như Út “trọc”, Vũ “nhôm”...
Những “lỗ hổng” này đều do sự cố tình của con người tạo ra trong quá trình vận hành bộ máy. Đó là việc người ta làm méo mó, làm tắt, bớt xén quy trình để dễ dàng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo “thước riêng” của mình. Đó là việc đánh giá cán bộ một cách nể nang, cảm tính, để các mối quan hệ cá nhân chi phối. Đó là tình trạng cục bộ, khép kín. Đó là việc tiếp tay, bao che, dung túng cho những sai phạm của cấp dưới…
Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi, ai là người vận hành, làm méo mó quy trình, tạo ra những “lỗ hổng” trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, từ đó sản sinh ra những cán bộ, đảng viên như Út “trọc”, như Vũ “nhôm”... Việc xử lý những sai phạm của Đinh Ngọc Hệ, Phan Anh Vũ sẽ chỉ là giải quyết phần ngọn của vụ việc, nếu như không xử lý triệt để phần gốc, không có biện pháp hữu hiệu để bịt những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, vì khi xử lý xong Út “trọc”, Vũ “nhôm” của ngày hôm nay, thì ngày mai lại sẽ có những Út “trọc”, Vũ “nhôm” khác từ những phương thức ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến công tác cán bộ, từ đánh giá, lựa chọn, đào tạo, thử thách đến sử dụng và đãi ngộ. Người cho rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta cũng luôn xác định công việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Người đứng đầu Đảng ta cũng nhiều lần khẳng định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt”.
Vì thế, nếu đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ không đúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Những hậu quả đó đã và đang hiển hiện. Và ai cũng thấy rõ rằng, việc xử lý, khắc phục những hậu quả này đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn cho xã hội, cho đất nước kể cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những Vũ “nhôm”, Út “trọc” ngày hôm nay đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng mong muốn lớn hơn từ dư luận là những người bao che, tiếp tay cho Đinh Ngọc Hệ, Phan Anh Vũ lộng hành trong cả thời gian dài phải được xử lý nghiêm minh, nhất là khi họ lại được giao nhiệm vụ quan trọng là những “thanh bảo kiếm” bảo vệ đất nước và chế độ./.
“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm nói lời sau cùng
Chống tham nhũng trong Công an, Quân đội: Mệnh lệnh không thể trì hoãn
Cắt nghĩa trăn trở của Tổng Bí thư về sự “xấu hổ” trong cán bộ, đảng viên
“Chuyến tàu vét” đang chạy ngược chiều với quyết tâm tinh gọn bộ máy?