Để người Việt dùng hàng Việt

Năng lực sản xuất hàng hóa trong nước còn yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn ít, giá thành cao, mẫu mã bao bì đóng gói hàng nội không hấp dẫn bằng hàng ngoại

Con số 500 nhãn hiệu được công nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho thấy khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá nhỏ so với hàng triệu sản phẩm có mặt trên thị trường.  

Thực tế trên thị trường Việt Nam, hàng ngoại đang lấn lướt, chiếm ưu thế ở nhiều chủng loại, không chỉ các mặt hàng sản xuất với công nghệ cao mà cả các loại hàng hóa bình thường như hàng tiêu dùng, thực phẩm, trái cây... Tâm lý sính hàng ngoại đôi khi đã trở thành thói quen của người tiêu dùng, cứ thấy hàng ngoại là mua, không cần suy xét, cân nhắc xem cùng một mặt hàng đó, hàng nội hay hàng ngoại tốt hơn. Tâm lý chuộng hàng ngoại còn được xem là “sành điệu”, là cách biểu hiện của giới có tiền, biết dùng hàng hóa, phô trương khả năng tài chính...

Trên thực tế, năng lực sản xuất hàng hóa trong nước còn yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn ít, giá thành cao, mẫu mã bao bì đóng gói hàng nội không hấp dẫn bằng hàng ngoại. Điều đáng lưu tâm là các nhà sản xuất và doanh nghiệp còn xem nhẹ thị trường trong nước, quá chú trọng xuất khẩu, tự mình bỏ trống trận địa cho doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí cùng một nhà sản xuất, nhưng hàng chất lượng cao chỉ để xuất ra nước ngoài, hàng không đạt chất lượng xuất khẩu để lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hệ thống phân phối hàng nội không có. Công tác quảng bá còn bị xem nhẹ, người tiêu dùng thiếu thông tin.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Chính trị kết luận trong Văn bản số 264 ban hành ngày 31/7/2009. Văn bản nêu rõ: “Mục đích cuộc vận động phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.

Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể phải gương mẫu thực hành tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm phương tiện đi lại, công cụ sản xuất, mua sắm tài sản, vật dụng văn phòng, thực hiện các dự án xây dựng cơ bản...  cần ưu tiên sử dụng hàng nội.

Các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm ban hành các cơ chế chính sách phù hợp bảo vệ người tiêu dùng; cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và giá cả sản phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm hàng giả, hàng lậu, hàng không đạt chất lượng, hàng mất phẩm chất, làm trong sạch thị trường; tổ chức các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức rõ vai trò trách nhiệm đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã phù hợp tâm lý người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần phải tôn trọng người tiêu dùng bằng sản phẩm chất lượng, thực hiện tốt chế độ hậu mãi, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam; tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm, phải có chiến lược khai thác thị trường trong nước. Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nên có sự liên kết khi cung ứng nguyên liệu sản xuất cho nhau, hạ giá thành sản phẩm; cạnh tranh lành mạnh; cần thiết có thể liên kết thành những tập đoàn mạnh mới đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam là một cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, bởi nó sẽ góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nó chỉ là một cuộc vận động nhằm khuyến khích, định hướng tiêu dùng trong nhân dân, không phải là một quyết định hành chính mang tính bảo hộ mậu dịch, lại càng không phải là định hướng buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa giá cao, chất lượng thấp chỉ vì đó là hàng nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên