Đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng: Tận thu!

VOV.VN - Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng với nhà ở thứ nhất là không hợp lý, tận thu của cả người nghèo.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và 1 tỷ đồng trở lên.

Phương án thu thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên đang vấp phải sự phản đối của người dân. Ảnh minh họa: KT

Thông tin này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của đông đảo người dân và ý kiến không đồng thuận của các chuyên gia kinh tế. Theo giải thích của cơ quan soạn thảo thì luật này góp phần “hạn chế đầu cơ tài nguyên đất đai, nhà ở”, thế nhưng lại đánh vào nhà ở thứ nhất thì lại không hợp lý. Bởi, với cách tính toán, lập luận như vậy thì gần như 100% người mua nhà đều bị đánh thuế.

Với cán bộ công chức đa phần sống bằng lương, tiền dành dụm được nếu nằm trong diện tăng thêm không được giảm trừ đều đã phải nộp thuế cho Nhà nước. Nếu tiếp tục đánh thuế khi mua nhà thì sẽ dẫn tới tình trạng “thuế chồng thuế”. Còn nếu mua nhà trả góp, người dân phải vay ngân hàng thì chịu sao thấu hàng tháng vừa lo đóng thuế và lo trả lãi,  gốc vay.

Chính vì thế, theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính và mong muốn của người dân là Nhà nước chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, tiền xây dựng căn nhà đã được người dân đã trả thuế trước đó rồi. Nếu chính sách thuế không hợp lý, không thoả đáng thì chắc chắn sẽ có tình trạng lách luật, trốn, gian lận thuế.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng thu thuế tài sản, mỗi năm ngân sách sẽ thu thêm được từ 22.700 đến 31.000 tỷ đồng.

Vài tuần trước đó, Bộ Tài chính tuyên bố chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được “đa số ý kiến đồng thuận”. Nếu chủ trương này được thông qua, mỗi lít xăng sẽ “cõng” tới 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách sẽ thêm gần 15.000 tỷ mỗi năm.

Điều khiến dư luận buồn và lo lắng hơn cả là ngành tài chính thay vì tìm cách tăng hiệu quả thu, tránh thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách… thì lại chỉ biết tìm cách “đẻ” ra các sắc thuế mới, tận thu từ dân. Đã vậy, những cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan này lại còn không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, kinh doanh. Tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ Hải quan, cán bộ thuế thời gian qua đã khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bức xúc. 

Câu chuyện tăng thu sẽ không bao giờ có hồi kết nếu như việc chi tiêu không hiệu quả. Con số thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý 1 năm nay, chi thường xuyên đã đạt gần 75,6% tổng chi. Trong khi nguồn nội lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 14,2% tổng chi ngân sách. Trong khi đó, chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm.

Trong năm 2017, ngành kiểm toán đã phát hiện thừa tới 57.175 biên chế trong khu vực nhà nước. Và, hiện còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí, bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp. Kinh phí cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016…

Với một bộ máy còn cồng kềnh lại được đánh giá là hiệu quả chưa cao thì có tăng thu bao nhiêu cũng không đủ và đặc biệt với cách chi hiện nay thì tình trạng dù bội chi chắc chắn năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn; nợ đọng thuế, nhất là những khoản không có khả năng thu còn lớn. Quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Vậy nên, nếu chúng ta chỉ chăm chăm tìm nguồn thu mà không thực hiện hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, không minh bạch các khoản thu – chi, đầu tư công không hiệu quả (vẫn còn nhiều công trình đắp chiếu, dở dang), không cải cách bộ máy…thì dân có è cổ ra đóng thuế cũng không thể nuôi nổi bộ máy này. Những việc này có lẽ đã vượt tầm của Bộ Tài chính./.

Tinh giản lãnh đạo có khó không?

VOV.VN -Yêu cầu công việc, đòi hỏi của thực tiễn đã bắt buộc nhiều tổ chức, đơn vị, nếu không thay đổi trong quản lý, điều hành thì sẽ tự giết mình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể phải nộp thuế tài sản
Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể phải nộp thuế tài sản

VOV.VN - Sở hữu 1 căn nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ phải nộp thuế tài sản. Nhà có giá trị càng cao, số tiền thuế phải nộp sẽ càng nhiều.

Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể phải nộp thuế tài sản

Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể phải nộp thuế tài sản

VOV.VN - Sở hữu 1 căn nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ phải nộp thuế tài sản. Nhà có giá trị càng cao, số tiền thuế phải nộp sẽ càng nhiều.

Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhà nước sẽ thất thu rất lớn?
Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhà nước sẽ thất thu rất lớn?

VOV.VN - Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng sẽ khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế rất lớn.

Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhà nước sẽ thất thu rất lớn?

Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhà nước sẽ thất thu rất lớn?

VOV.VN - Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng sẽ khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế rất lớn.