Đèo Lò Xo còn mang tang tóc đến bao giờ?
VOV.VN -Tai nạn trên đèo Lò Xo, người dân không thể chấp nhận lý do thiếu vốn để rồi "thấy chết" mà không ra tay, không đặt ưu tiên cho những việc quan trọng.
Liên tiếp các vụ tai nạn nghiêm trọng ra trên đèo Lò Xo khiến nhiều người đau lòng, sợ hãi nếu đi qua con đèo nguy hiểm này. Những câu chuyện buồn xé ruột của những gia đình có người thân phải nằm lại con đèo tử thần. Đau đớn hơn, những em bé được cha mẹ cho về thăm ông bà, quê hương sau một năm học vất vả nay cũng phải nằm lại nơi rừng núi hoang vắng này... thực sự gây ám ảnh.
Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra rạng sáng 16/6 |
Từ tháng 3 đến nay đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông trên đoạn đèo này. Riêng tháng 3 xảy ra 2 vụ tai nạn. Vụ thứ nhất, xe khách 45 chỗ biển số 90B - 005.32 lưu thông theo hướng từ tỉnh Hà Nam đi Gia Lai đã lao xuống vực tại km 1419+500 trên đèo Lò Xo đoạn qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, Kon Tum, làm 1 người chết, 19/20 hành khách trên xe bị thương; Ngày 28-3-2018, tại đèo Lò Xo, (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), xe ô tô con 7 chỗ khi đang xuống dốc đã bị mất phanh, mất kiểm soát phóng qua mương nước lật ngang. 5 người trên xe may mắn thoát chết khi điểm xe bị lật cách vực sâu khoảng 40 mét.
Và vụ tai nạn rạng sáng 16/6, ôtô khách của nhà xe Đức Chính chạy từ Hải Dương đi Bình Phước, đi qua xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, lao vào ta luy trước khi rơi xuống vực, làm 3 người chết, 19 người bị thương.
Nếu ai đã từng có người nhà, người thân bị tai nạn giao thông mới thấy thấu hiểu sự sợ hãi, ám ảnh nhường nào. Tai nạn giao thông không chỉ khiến con người đau đớn thể xác mà còn là gánh nặng về kinh tế - xã hội vô cùng khủng khiếp. Nhiều người sau tai nạn trở thành kẻ tàn phế, phải sống dựa vào tình thương, sự cưu mang của gia đình và xã hội.
Đèo Lò Xo – chỉ nghe cái tên thôi ai cũng thấy rợn người. Vậy nhưng vì đâu mà nơi đây mãi trở thành nỗi kinh sợ của bao con người thường xuyên hoặc có việc phải đi qua đây suốt bao năm như vậy? Ngoài những bất cẩn của người lái xe, sự xuống cấp hư hỏng của phương tiện thì hạ tầng giao thông cũng là nguyên nhân chính khiến các vụ tai nạn giao thông gia tăng ở mức độ cũng như hậu quả.
Theo lãnh đạo ngành GTVT, đây là tuyến giao thông hết sức quan trọng, huyết mạch nối các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường là cần thiết, song trước mắt nguồn vốn ngân sách còn khó khăn nên chưa thể đầu tư nâng cấp tuyến đường.
Đất nước còn khó khăn đó là điều ai cũng sẻ chia và thông cảm, nhưng cũng cần đặt ưu tiên cho những dự án giao thông như thế này. Bởi, coi đây là huyết mạch thì cũng giống như một cơ thể con người, không thể chặt đứt hoặc loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống được.
Trong khi việc sử dụng ngân sách còn lãng phí, không hiệu quả như hiện nay thì không thể lấy lý do là không có vốn để rồi phải chứng kiến những tai nạn đau lòng... Người dân không thể chấp nhận lý do thiếu vốn để rồi "thấy chết" mà không ra tay, không đặt ưu tiên cho những việc quan trọng.
Sau mỗi vụ tai nạn, các lực lượng chức năng, các gia đình lại phải lao vào để giải quyết hậu quả, truy cứu trách nhiệm… Thay vì mất thời gian tìm kiếm lỗi lầm, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thì hãy hành động khẩn cấp để không còn xảy ra tai nạn trên cung đường “tử thần” này nữa. Ước mong của người dân là không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua đây. Điều đó tuỳ thuộc vào hành động của các nhà quản lý./.