Doanh nghiệp xả thải – Pháp luật chưa nghiêm

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý còn bị buông lỏng, chế tài xử phạt vi phạm môi trường chưa nghiêm…  

Tuần qua, báo chí liên tục lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp cố tình xả thải ra môi trường. Người dân sống quanh khu vực bị xả thải phải gánh chịu nhiều hậu quả: thiệt hại về vật nuôi cây trồng, không khí bị ô nhiễm, sức khoẻ bị ảnh hưởng, trong đó đáng lo ngại nhất là nhiều nơi người dân bị mắc bệnh ung thư do tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra. Phải chăng, các doanh nghiệp đã bị phát hiện vẫn cố tình xả thải, vì pháp luật chưa nghiêm?

AB Mauri, Sonadezi ở Đồng Nai; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty chế biến phụ phẩm cá tra - Cần Thơ là những cái tên liên tục xuất hiện trên mặt báo trong suốt tuần qua.

Các công ty vi phạm luật Môi trường phải chăng do chưa bị xử lý nghiêm? (Ảnh minh hoạ)

Chỉ riêng cái tên Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng lần đầu tiên xuất hiện vì vừa bị Cục Cảnh sát Môi trường phát hiện hôm 1/11, những cái tên còn lại đều đã quá “quen thuộc”. Nghĩa là những doanh nghiệp này đã bị phát hiện xả trộm chất thải ra môi trường, đã bị xử phạt và đã nhận những quy định phải ngừng ngay hành vi xả thải. Vậy nhưng, tình trạng xả thải vẫn tiếp tục tái diễn.

Công ty AB Mauri Việt Nam ở xã La Ngà huyện Định Quán, Đồng Nai bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải và khí thải gây ô nhiễm môi trường vào tháng 7/2009. Doanh nghiệp này cam kết với người dân: “Nếu còn gây ô nhiễm môi trường sẽ chấm dứt hoạt động”.

Hứa cứ hứa, đến thời điểm này, nghĩa là đã hơn 2 năm, công ty này vẫn ngang nhiên xả các chất thải ra môi trường. Người dân xung quanh liên tục phản đối, doanh nghiệp đã bị xử phạt tới 4 lần, với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí có lần còn bị UBND tỉnh Đồng Nai đình chỉ sản xuất, vậy mà cho tới đầu tháng 11 này, “Các mẫu nước giếng đào và giếng khoan của người dân xung quanh khu vực nhà máy AB Mauri đều có dấu hiệu nhiễm asen hay còn gọi là thạch tín, chất có thể gây ung thư”.

Một doanh nghiệp nước ngoài khác cũng ở Đồng Nai là Công ty Sonadezi ở huyện Long Thành cũng có những hành vi vô cùng “ngoạn mục”. Tháng 10/2010, Sonadezi bị Cảnh sát môi trường phát hiện và nhận quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời phải khắc phục hậu quả và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường do các hành vi xả thải môi trường gây ra, phải dừng ngay việc đưa nước thải chưa qua xử lý ra hồ sinh thái.... Nhưng quyết định mặc kệ quyết định, công ty này vẫn ngang nhiên xả thải cả ngày lẫn đêm, lợi dụng những đợt triều cường dâng cao. Hệ thống xả thải ngầm của công ty này vẫn tiếp tục hoạt động và tiêu thoát tới 10.000 m3 nước thải một ngày đêm.

Điều đáng ngạc nhiên là Công ty Cổ phần nhiệt điện Hải Phòng - một công trình trọng điểm Quốc gia nhưng lại không có giấy phép xả thải.

Tất cả những doanh nghiệp “bức tử” môi trường này, dù vi phạm lần đầu hay tái phạm, đều bị nhân dân phát hiện, nhưng tất cả cũng chỉ đang dừng ở mức là Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra và tiến hành kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu có phải các hình thức xử phạt còn quá nhẹ? Liệu có tình trạng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bao che, tiếp tay nên các doanh nghiệp bị người dân phát hiện, khiếu kiện nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm? Liệu có phải những đoàn thanh tra chỉ được lập ra cho có và chỉ kiểm tra lấy lệ nên các doanh nghiệp vẫn coi thường pháp luật? Và liệu có phải pháp luật của ta còn chưa nghiêm?

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý còn bị buông lỏng, chế tài xử phạt vi phạm môi trường chưa nghiêm, sự đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa hợp lý. Sự phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi phạm còn chưa đồng bộ...

Xin được đưa ra một vài con số: hiện cả nước có trên 220 Khu công nghiệp (KCN), trong đó có 171 KCN đang hoạt động. Khoảng 57% KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mỗi ngày, các KCN thải ra môi trường hơn 1 triệu m3 nước thải, nhưng có đến 70% lượng nước thải không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.

Như vậy đủ thấy, hành vi xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp đang ở mức rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Vedan Việt Nam, Tung Kwang - Hải Dương, hay Hào Dương, Thái Tuấn, Sonadezi Đồng Nai chỉ là số ít doanh nghiệp bị cơ quan chức năng phát hiện. Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang hàng ngày tìm mọi cách thải chất độc ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhưng chưa hề được các cơ quan chức năng hỏi tới.

Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều có những quy định cụ thể đối với tội phạm môi trường. Riêng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã thông qua Bộ luật về bảo vệ môi trường, trong đó có hơn 100 điều quy định các hình phạt đối với hành vi làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Với tội phạm về môi trường đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình. Bởi vậy, ở Việt Nam, đã đến lúc không thể chỉ kêu gọi đạo đức kinh doanh mà cần thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia môi trường quốc tế, Việt Nam cần kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm nặng. Một điều hết sức quan trọng là cần mạnh dạn từ chối những dự án đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường, bởi theo tính toán, nếu không đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để xử lý, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường sẽ lớn gấp 3 lần những gì thu được từ sự tăng trưởng kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên