Đối thoại với dân – Chuyện không bao giờ cũ
VOV.VN - Chỉ có đối thoại mới đưa ra được những giải pháp điều chỉnh về quyết sách cho phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn đời sống của nhân dân.
Hơn 1 tuần qua, dư luận cả nước sục sôi về câu chuyện xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hàng chục người là cán bộ thực thi công vụ bị bắt giữ trái phép tại đây được coi như là những “con tin” để người dân Đồng Tâm “tìm lại công lý”.
Nhiều luồng ý kiến khác nhau đánh giá về vụ việc này; các thế lực thù địch cũng theo đó đã lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu chế độ, chống phá chính quyền. Đề nghị cách xử lý vụ việc cũng với nhiều góc độ. Tích cực có mà cực đoan cũng không ít. Trong đó, ý kiến tựu trung là cần đối thoại với dân để làm rõ ngọn nguồn.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội dạo bước trên đường làng đến thăm Trường THCS xã và nói chuyện với người dân, sau khi 19 cán bộ chiến sĩ được trao thả. |
Ông Đỗ Văn Đương, Phó Ban dân nguyện của Quốc hội, thành viên tham gia cuộc đối thoại nhận xét: Thành công lớn nhất là hai bên, cả người dân và chính quyền đều thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Còn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì coi kết quả đạt được của việc xử lý điểm nóng này “giống như một trận mưa rào giữa mùa nắng hạn”.
Rõ ràng, vụ việc ở Đồng Tâm là bài học lớn, không chỉ riêng về quản lý sử dụng đất đai, không chỉ dừng lại ở bài học sử dụng hay không sử dụng biện pháp mạnh...mà lớn hơn cả đó là bài học gần dân, lấy dân làm gốc. Là bài học về sự lắng nghe, về tính chủ động, kiên trì đối thoại với nhân dân. Đó là bài học công khai, minh bạch những vấn đề còn vướng mắc và xử lý vi phạm đúng pháp luật, thấu tình đạt lý.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, từng 50 lần liên tục đi về Thái Bình để xử lý điểm nóng 20 năm trước cho rằng, làm cán bộ thì phải gần dân, hiểu dân và thường xuyên đối thoại với dân là câu chuyện không bao giờ cũ. Cái gì có lợi ích cho dân sinh, cho đất nước là dân không bao giờ dân phản đối. Còn cái gì mà dưới danh nghĩa này, danh nghĩa khác, để thiệt thòi cho Nhà nước, thiệt hại cho dân sinh thì dân không bao giờ đồng tình.
Bởi vậy, lời khuyên của ông trong câu chuyện này cũng nhắc tới hai từ: Đối thoại. Có đối thoại thì lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn vướng mắt của người dân. Trên cơ sở đó, sẽ có những giải pháp điều chỉnh về quyết sách cho phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn đời sống của nhân dân.
Vụ việc Đồng Tâm đã gỡ được nút thắt đầy căng thẳng. 3 điểm chính trong bản cam kết giữa người dân với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau cuộc đối thoại là điểm nhấn với cái kết có hậu.
Nhưng, đằng sau bản cam kết ấy dường như vẫn còn điều trăn trở, suy tư. Có lẽ người dân cần xác định lại niềm tin với lãnh đạo chính quyền cao nhất do mình bầu ra nên mới yêu cầu người làm chứng nhiều đến thế?
Qua vụ việc này, hàng loạt câu hỏi cũng đang còn để ngỏ. Đó là vì sao nhân dân Đồng Tâm không tin vào chính quyền cơ sở mà buộc phải phản kháng quyết định của chính quyền, rồi bắt giữ hàng chục người thi hành công vụ?
Vì sao một dự án xây dựng sân bay quân sự được lập ra từ năm 1980 đến nay, vì mục đích quốc phòng - an ninh, được giao đi, giao lại nhiều lần mà để lãng phí việc sử dụng đất nông nghiệp mấy chục năm qua?
Rồi Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa XI và quyết định 218 của Bộ Chính trị khóa XI cũng đã đề cập đến việc xây dựng quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhưng sao chưa thấy triển khai hiệu quả?
Nhìn lại 8 ngày làm dịu điểm nóng Đồng Tâm