Đừng để nông dân “than trời” nữa
Điều bà con mong muốn là các nhà quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát để giá phân bón vật tư không tăng vọt như những mùa vụ vừa qua.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu được mệnh danh là vựa lúa, chiếm gần như toàn bộ lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng những ngày này, khi nước lũ rút, bà con tranh thủ xuống giống vụ lúa đông xuân –vụ sản xuất chính trong năm thì một nỗi lo canh cánh lại xuất hiện. Đó là giá phân bón vật tư tăng vọt khiến bà con điêu đứng, có loại tăng gấp đôi, gấp ba so với đầu vụ.
Bà con cho rằng, qua nhiều lần họp Quốc hội, HĐND các cấp, bà con kiến nghị nhiều, có nghe các vị lãnh đạo hứa nhưng rồi giá vật tư cứ “dzọt lẹ” hơn lời hứa. Hỏi các nhà sản xuất, đại lý vì sao lại tăng, thì điệp khúc “đổ thừa” cho giá các loại nguyên liệu đầu vào, xăng, điện, cước vận chuyển… tăng phải khấu hao vào nên giá thành bị đội.
Không hiểu sao đã thành quy luật, cứ năm sau giá lại cao hơn năm trước. Do vậy bà con nào năm đó trúng mùa, tích lũy được ít vốn liếng thì đành “bấm bụng” mà mua để còn canh tác tiếp. Những bà con không có vốn, làm vụ nào đổ hết vào việc sinh hoạt hàng ngày, học hành của con cái đành “năn nỉ” đại lý mua thiếu chịu, hết mùa vụ cắn răng bán đổ bán tháo lúa hàng hóa để trả nợ, không còn lúa để tích trữ đợi giá cao mới bán.
Không chỉ giá ngất ngưởng mà nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không nhãn mác xuất hiện tràn lan. Nông hộ nào không may mua về thì mùa vụ đó coi như lãnh đủ. Đã thế trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nhà quản lý, nhà khoa học không hiểu hà cớ gì mà suốt ngày nói trên diễn đàn hướng dẫn bà con đủ thứ “hầm bà rằng” về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của hết hãng này đến hãng khác, khiến bà con chẳng biết đâu mà lần.
Đội ngũ khuyến nông của cơ sở cũng thừa nhận, nhiều sản phẩm quá nên không biết khuyến cáo bà con sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp nào cho nó hợp lý. Vì danh mục các thuốc, vật tư này đều được cấp phép lưu hành, nhưng đến nhà chuyên môn cũng lúng túng huống chi là nông dân mình. Đành tìm đến các nhãn hàng nổi tiếng… quảng bá trên truyền hình vậy(?!).
Nói như vậy để thấy rằng, bà con nông dân mình kể cũng “sướng” trong việc được quyền lựa chọn hàng hóa vật tư sử dụng trong trồng trọt theo ý muốn. Nhưng niềm vui ấy có thấm gì, khi sử dụng thì giá thành cao mà mùa vụ thì không thắng lợi mấy mà giá cả lại bấp bênh, phập phồng.
Cũng mừng là hiện nay, ở một số nơi trong vùng đất châu thổ Cửu Long, nhiều mô hình “Cánh đồng mẫu” ra đời, với vài trăm ha đất canh tác, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tận tình từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, lại có doanh nghiệp tổ chức chương trình” cùng nông dân ra đồng”, để cam kết về sản phẩm vật tư nông nghiệp mình làm ra cung ứng cho bà con, đảm bảo chất lượng đến mùa gặt. Song số này vẫn quá ít so với hàng triệu ha đất đang canh tác mà bà con đang phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường.
Điều bà con mong muốn là các nhà quản lý, với quyền lực của mình, tăng cường kiểm tra, giám sát để giá phân bón vật tư không “dzọt” lẹ như những mùa vụ vừa qua, để mỗi khi vào vụ, bà con không phải than trời vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp./.