Gian lận thi cử: Bố mẹ là thủ phạm, con là …nạn nhân!
VOV.VN -Nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành.
Việc được (hoặc bị) nâng điểm (một cách gian dối) trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, thí sinh chắc đều biết. Có điều biết trước hoặc biết sau khi thi mà thôi!
Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó. Ảnh minh họa. |
Trong số những học sinh đó nhiều em nhận được kết quả trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân. Có em vui, có em mừng pha chút hổ thẹn. Họ thầm cảm ơn bố mẹ? Họ trách móc cha mẹ đã làm một việc không đúng? Tâm trạng đó đều có thể xảy ra nhưng tất cả đều tặc lưỡi cho sự đã rồi. Chưa thấy trường hợp nào đứng lên tố cáo… mình?! Thế là bỗng dưng các em thành tòng phạm - thành kẻ dung túng và đồng lõa cho một việc làm sai trái của người lớn. Và dừng lại ở đó, giờ đây các em còn là nạn nhân. Cả thí sinh thi đỗ và những em gần đỗ trong kỳ thi vừa qua đều là nạn nhân.
Những học sinh học thực, thi thực nhưng không sức nào chọi lại với học tiền thi tiền thì buồn bã, chán nản; mất niềm tin ở chính nơi luôn dạy họ niềm tin và những điều tốt đẹp. Tương lai liệu đã khép cánh cửa hẹp trong khi các em còn cả cuộc đời phía trước?
Những sinh viên ngồi chưa ấm ghế dưới mái trường đại học thì sự việc vỡ lở, giờ chia tay các bạn trong sự xấu hổ, bẽ bàng, trở lại quê nhà cũng khó tránh khỏi những ánh mắt diễu cợt pha chút hả hê, thương hại. Ai trong số các em dám dũng cảm đứng lên, vượt qua cú ngã ngựa (có thể không mong muốn) này để tiếp tục dự thi vào kỳ thi tiếp theo, hay lại tiếp tục trượt dài theo vết xe đổ của chính mình và của cha mẹ? Các em còn cả một cuộc đời phía trước!
Không gì đau xót hơn trong phiên tòa mà thủ phạm-bị cáo là cha mẹ, là người thầy; còn nạn nhân (đồng thời cũng là tòng phạm) là con mình, là học sinh của chính mình! Tấn bi hài kịch đó đã làm vấy bẩn hình ảnh thiêng liêng, mô phạm, mực thước cần có của đạo học, nhất là với các nước Á Đông có truyền thống tôn sư như Việt Nam.
Học sâu học rộng, dạy cao siêu cỡ nào chưa biết nhưng nhà trường tiên tiến trên khắp hành tinh này đều dạy học sinh hai chữ TRUNG THỰC. Học chưa giỏi có nhiều nguyên do nhưng không thể chấp nhận thiếu trung thực trong trường học. Trung thực là cái gốc để làm NGƯỜI, là căn cốt để tạo nên sự LƯƠNG THIỆN.
Rồi đây cuộc cách mạng KH-KT và công nghệ có thể lên đến 4 chấm, 5 chấm nhưng sự lương thiện mãi mãi là vốn quý của sản phẩm NGƯỜI trong tương lai, ở mọi nơi, trong mọi thể chế chính trị. Không có lương thiện thì càng nhiều chấm càng nhanh dẫn loài người tới chỗ diệt vong!
Ấy vậy mà một số thầy cô, cha mẹ, một số người có chức có quyền đã phỉ báng vào sự trung thực khi trâng tráo nâng điểm cho học sinh. Sự việc đó diễn ra có thể trước mắt, có thể sau lưng thí sinh, nhưng diễn ra ở thời điểm các em đang ngập ngừng và bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một vết đen theo suốt cuộc đời các em.
Tại sao phần lớn thí sinh được hoặc bị nâng điểm lại theo học quân đội, công an? Câu trả lời ai cũng biết: Những trường này được “bao cấp” tận răng; khả năng thải loại trong quá trình học không nhiều; ra trường được sắp xếp việc làm, ít phải cạnh tranh thi thố như các ngành nghề khác. Những bậc cha mẹ có tiền, có quyền thật giỏi toan tính khi chấp nhận bỏ ra tiền tỉ để “đầu tư” một lần, cho tương lai con mình, trong một cuộc thi. Một cái giá quá hời?
Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành. Một vài trường hợp cá biệt làm theo lối đó có thể công thành danh toại theo quan niệm của người Việt, nhưng tôi tin bất hạnh sẽ nhiều hơn khi một thế hệ tem phiếu, đánh máy chữ, viết thư tay..., lại đi thay đôi chân, nghĩ thay cái đầu của 9X trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và công dân toàn cầu.
Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó, vì với phẩm chất ấy, các cháu chỉ tác oai tác quái thay cho những ý tưởng cải tạo xã hội để ngày một tốt đẹp hơn.
Thứ hai, việc gian dối trong kỳ thi vừa qua cũng lưu ý ngành giáo dục nên xem xét cách tuyển sinh.
Anh đi mua vàng 9999 ở cửa hàng A, khi đến cửa hàng B bán, bảo 9999 thì họ không bao giờ tin mà phải thử lại. Anh nội soi ở bệnh viện A, nếu muốn khám hiệu quả ở bệnh viện B thì họ vẫn khuyến cáo anh nội soi lại.
Việc công nhận kết quả của nhau chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh sự nghiêm túc và chất lượng thiếu đồng nhất và rất xôi đỗ như ở Việt Nam.
Không phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục trong việc giảm bớt gánh nặng cho nhà trường và thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh nhưng nên chăng hãy lấy mục đích của thi cử làm chính để xây dựng phương án thi cử. Một công việc có hiệu quả khi nó đạt được mục đích. Nếu không, dù kỳ thi luôn được đánh giá là “nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc, tiết kiệm” thì cũng chẳng có giá trị và nghĩa lý gì!