Giáo dục đại học - hai biểu hiện của một vấn đề

Kết quả thi ĐH cho thấy sự xuống dốc của chất lượng tuyển sinh đầu vào,  nhiều trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Mùa tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2010 có một sự việc đáng nhớ là trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) phải tạm ngừng tuyển sinh. Năm nay, sự việc đáng nhớ là thủ khoa của trường Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chỉ đạt trung bình mỗi môn thi dưới 5 điểm. Những cái đáng nhớ ấy đều đáng buồn về chất lượng giáo dục đại học. Nhưng còn lo ngại hơn nếu như thấy đó là 2 biểu hiện của 1 vấn đề.

Năm nay, trên tổng quan, kết quả thi đã công bố cho thấy sự xuống dốc của chất lượng tuyển sinh đầu vào, với quá nhiều điểm dưới trung bình, nhiều trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoài trường Đại học Hà Hoa Tiên có thể kể ra những cái tên khác nằm trong nguy cơ này như trường Đại học dân lập Hải Phòng, Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Đại học Giao thông - Vận tải cơ sở 2 ở thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng…

Vấn đề là trong những năm qua, trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, vượt quá sức quản lý của ngành giáo dục đào tạo. Lúng túng trong quản lý nên lúc thì ngành giáo dục đào tạo quá mạnh tay, lúc lại quá buông lỏng. Có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng nhìn theo góc độ nào thì cả 2 cách quản lý ấy đều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Không những thế, đó còn là sự lãng phí lớn nguồn lực của toàn xã hội.

Hiện nay cả nước có 414 trường đại học, cao đẳng, với tổng số 2,1 triệu sinh viên. Nếu tính theo số sinh viên trên 1 vạn dân thì đã vượt trước nhiều năm so với quy hoạch. Tăng trưởng nóng về số lượng không làm tăng chất lượng, mà ngược lại đang làm cho giáo dục đại học bị phổ thông hoá.

Theo kết quả giám sát mới đây của Quốc hội, 10 năm qua, có hơn 300 trường được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học, cao đẳng. Nhiều trường được nâng cấp từ một khoa hoặc chia tách từ những trường đại học lớn, đại học trọng điểm, có ưu thế về các điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, năng lực tổ chức quản lý. Còn các trường được nâng cấp từ bậc học thấp thì gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là những trường dân lập, tư thục, dường như đang được thả cho phát triển tự nhiên.

Chưa có điều tra cụ thể, nhưng trong số hơn 80 trường dân lập, tư thục chắc chắn có không ít cơ sở được lập ra chỉ nhằm bao chiếm đất hoặc sử dụng lấy lệ để khỏi bị thu hồi đất. Cũng không ít cơ sở chỉ nhằm vào những ưu đãi về đất đai, vốn vay, thuế và nhiều ưu đãi khác, chứ không thực sự vì mục tiêu đào tạo, cũng chẳng hề xét xem nhu cầu của xã hội có cần đến hay không.

Đã đến lúc ngành giáo dục đào tạo cần tăng cường quản lý các trường đại học dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, coi trọng các điều kiện cần thiết ngay từ khi thành lập trường như: số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, ký túc xá sinh viên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhu cầu của xã hội...

Đối với những trường đại học, cao đẳng hiện có cần rà soát, thanh tra, đánh giá lại theo tinh thần không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém; thực hiện hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, có thể đình chỉ hoạt động hoặc giải thể những trường vi phạm quy định của pháp luật và cam kết thành lập trường. 

Sẽ có thêm nhiều biểu hiện đáng buồn khác nữa nếu như chúng ta không kiên quyết làm như vậy. Và, quan trọng hơn là không nên để kéo dài tình trạng thi vào đại học dễ dàng hơn thi vào lớp 1 như hiện nay./.     

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên