Hà Nội, nước sinh hoạt bốc mùi: Chính quyền phải ở đó khi dân cần nhất
VOV.VN -Trong sự cố này, mỗi ngày chờ đợi là tăng thêm sự lo lắng, bất an về sức khỏe, về niềm tin vào chính quyền
Hôm qua, sau một tuần xảy ra sự cố nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội, UBND thành phố mới có khuyến cáo rằng, khi chưa súc xả, thau toàn bộ hệ, thống đường dẫn, bể chứa… người dân chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống mà nên tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.
Vậy là, cuối cùng, chính quyền Hà Nội đã chính thức lên tiếng về sự cố nước bốc mùi. Và nghi hoặc của người dân về nguồn nước nhiễm bẩn, thậm chí nhiễm độc không phải là không có cơ sở. Sự vào cuộc, khuyến cáo quá chậm chạp của Hà Nội làm người dân không hết bất an, bức xúc.
Con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị nhiễm bẩn do dầu thải đổ vào đầu nguồn. (ảnh: VTCNews) |
Mãi đến hơn một tuần sau khi người dân đã ăn, uống thứ "nước bẩn" mà chính quyền vừa khuyến cáo “không sử dụng để nấu ăn, uống” kia, thì giờ đây, sức khỏe của người dân nếu chẳng may bị ảnh hưởng, đe dọa thì ai, cơ quan nào sẽ là người chịu trách nhiệm?.
Sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông vừa mới xảy ra cách đây chưa lâu với sự vào cuộc, khuyến cáo chậm trễ của Hà Nội về sự độc hại của môi trường xung quanh nhà máy, khiến người dân chưa hết bức xúc. Những tưởng đây sẽ là bài học xương máu để Hà Nội rút kinh nghiệm với những sự cố tương tự, nhưng hình như sợi dây “rút kinh nghiệm” vẫn còn rất dài.
Cũng tại cuộc họp chiều qua của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch sông Đà cho rằng, đây là lần đầu gặp sự cố, không chắc công nghệ có thể xử lý được ô nhiễm dầu thải.
Điều người dân chờ đợi không phải là lời nói nước đôi “không chắc” như ông Tổng giám đốc Công ty nước sạch sông Đà đưa ra. Một thông điệp tưởng như đơn giản của ông Tổng giám đốc nhưng lại tác động ghê gớm đến hàng vạn người, làm tăng thêm sự hoài nghi về chất lượng nước và lo lắng về việc mình sẽ phải dùng "nước bẩn" đến bao giờ khi mà hàng ngày vẫn phải ăn, phải uống và không phải ai cũng có điều kiện để đi mua nước đóng chai về dùng lâu dài.
Sau một tuần dùng nước bẩn, đến hôm qua cư dân một số chung cư đã được hỗ trợ cấp nước miễn phí . Tuy nhiên, để nhận được từng xô nước, nhiều người dân đã phải thức thâu đêm chờ xe téc. |
Người dân đang rất cần câu trả lời chính xác từ phía Tổng Giám đốc Công ty nước sạch sông Đà là việc ô nhiễm dầu thải “có” hay “không” xử lý được và trong thời gian bao lâu. Con suối dẫn nước vào Nhà máy sẽ xử lý như thế nào? Còn nếu “không” xử lý được thì cũng phải thông báo, khuyến cáo để người dân có phương án; đồng thời cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của thành phố đối với người dân.
Với sự việc khác, người dân có thể kéo dài sự chờ đợi, nhưng trong sự cố này, mỗi ngày chờ đợi là tăng thêm sự lo lắng, bất an về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, dù biết nước bẩn, nước nhiễm độc nhưng không thể không dùng. Bởi người dân không có sự lựa chọn nào khác. Một người, một nhóm người dù có muốn cũng không thể thay đổi nhà cung cấp nước khi thấy nước bẩn hay nước có độc.
Trong buổi tiếp xúc cử tri vào hôm qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo, nếu cần thiết kiến nghị thay đổi công nghệ để đảm bảo chất lượng nguồn nước, vì công nghệ đang sử dụng đã được áp dụng từ năm 2002. Vì thế, cần có sự giám sát, đôn đốc của Thành phố để nhanh chóng giải quyết sự cố này, để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Chỉ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, triệt để của Thành phố Hà Nội, dù khá muộn nhưng ít nhiều sẽ lấy lại được niềm tin vốn đã hư hao trong người dân sau nhiều lần xảy ra sự cố nghiêm trọng với sự vào cuộc thận trọng nhưng quá chậm trễ.
Trong cuộc sống, niềm tin luôn là thứ quan trọng nhất. Xuất hiện đúng lúc dân cần nhất và mất phương hướng nhất thì mới là chính quyền của dân, do dân và vì dân./.
Nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Sau dầu thải sẽ là gì nữa?
Nước sinh hoạt bốc mùi: Sao biết “nước sạch” đã bẩn mà nỡ bán cho dân?