Hàng phở chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị khởi tố: Chuyện lạ có thật!

VOV.VN -Việc xử lý hình sự hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm như anh bán phở này là trường hợp hy hữu.

Một người dân mở cửa hàng bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Kinh doanh trái phép”. Hiện vụ việc đang bị Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm.

Đọc thông tin này, nhiều người không thể tin đây lại là chuyện thật xảy ra ở một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, TP HCM. Bởi xưa nay, kinh doanh mặt hàng ăn uống, đặc biệt là bán bún phở, là khá phổ biến ở nước ta. Nhiều gánh phở rong, quán phở vỉa hè là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, nuôi biết bao miệng ăn, con cái học hành. Thế nhưng, khi mắc các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, lấn chiếm vỉa hè ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông… họ thường chỉ bị xử phạt hành chính.

Chủ cửa hàng này bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh (ảnh SGGP)

Thực tế đáng buồn là, luật pháp nước ta đang ngày được củng cố, hoàn thiện để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp thế nhưng khi về đến cơ sở, áp dụng vào thực tế lại bị méo mó đi rất nhiều. Nhiều người lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để kiếm chác, làm khó dân, hành dân. Cụ thể việc xử lý hình sự hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm như anh bán phở này là trường hợp hy hữu.

Trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, qua các lần sửa đổi, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là 2 luật rất căn bản cho lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp, đã tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư của đất nước. Những nhà làm luật, những nhà quản lý đã thay đổi hoàn toàn tư duy quản lý. Theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nói về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã lấy dẫn chứng, ở các nước có trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam và ở chính Việt Nam, những ngành nghề như mở hàng ăn, hàng phở không có một quy định nào cả. Coi như người dân tự do, thoải mái trong việc mở cửa hàng. Nhưng ở những nước phát triển, điều kiện để mở cửa hàng ăn phục vụ công cộng thì người chủ và những người phục vụ phải không mắc bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, nguyên liệu để chế biến phải không có hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cơ quan quản lý công bố điều kiện đó. Anh mở cửa hàng mà không thực hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép.

Và cũng theo quan điểm của ông Bùi Quang Vinh là ta cần cố gắng để hạn chế việc xin cấp phép, nhưng cũng phải có nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ hơn, tốt hơn nhằm phục vụ lợi ích của con người.

Với vụ việc xảy ra ở huyện Bình Chánh, nhiều người cho rằng có động cơ nào khác đằng sau sự việc này chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động nhằm quản lý trật tự xã hội theo thẩm quyền của công an huyện. Phải chăng hành vi “chậm đăng ký kinh doanh” đe dọa đến sự an nguy nào đó của xã hội nên công an huyện mới phải “làm lớn” chuyện lên như vậy? Nhưng công an là lực lượng “nắm lòng” các qui định của luật pháp nên họ không thể áp dụng một cách tùy tiện được.

Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Để tránh lộng quyền, chồng chéo, theo qui định của pháp luật, khi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của các ngành Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương... Công an muốn kiểm tra an toàn thực phẩm phải phối hợp liên ngành. Chưa kể việc Quốc hội vừa thông qua Bộ Luật hình sự 2015 với việc bỏ tội danh "kinh doanh trái phép". Đây được xem như là một chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền tự do trong kinh doanh, công dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. 

Chỉ với bằng ấy sự hiểu biết nông cạn của người dân thì trong “vụ án” này, công an hay người bán phở sai?

Một vụ án, theo ý kiến của các luật sư, là có quá nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng, từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến khởi tố hình sự. Nếu điều này trở thành hiện thực thì lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào việc thực thi luật pháp sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Và đây cũng là một tiền lệ xấu cho những vụ việc khác xảy ra trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày ở TPHCM: Bị xử lý hình sự
Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày ở TPHCM: Bị xử lý hình sự

Một người dân mở cửa hàng bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội kinh doanh trái phép.

Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày ở TPHCM: Bị xử lý hình sự

Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày ở TPHCM: Bị xử lý hình sự

Một người dân mở cửa hàng bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội kinh doanh trái phép.