Hoa hậu nói dối và những giá trị ảo
VOV.VN -Nghệ thuật vốn có cái gốc là lao động đích thực thì bây giờ được nhiều người đong đếm bằng sự nổi tiếng nhanh và thu lợi nhuận.
Thực ra, cấm một hoa hậu biểu diễn hay nhiều địa phương xin phép xây sòng bạc không phải là những thông tin thu hút sự quan tâm của quá nhiều người. Song, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy có vấn đề chung về quản lý. Không phải là quản lý không theo kịp thực tiễn, mà ngược lại, thực tiễn đang phát triển khá “ảo” để thách thức cơ quan quản lý.
Trước hết nói về quyết định cấm một hoa hậu biểu diễn vì thiếu trung thực trong kê khai tình trạng hôn nhân. Đối với cá nhân người đẹp này thì rõ rồi, cô ta vi phạm qui định của cuộc thi và có vấn đề về đạo đức. Nhưng đối với cơ quản quản lí thì cách xử lí ấy vẫn còn nhiều điều phải bàn. Sai phạm đó có đáng phải ra quyết định cấm biểu diễn hay không? Xử lý như thế rõ ràng là còn lúng túng trước sự phát triển khá “ảo” của thực tiễn.
Diễm Hương bị cấm lưu diễn trên toàn quốc vì gian dối về chuyện hôn nhân |
Đúng là nhiều năm gần đây, ở nước ta “bùng nổ” các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, “bùng nổ” các sự kiện văn hóa giải trí với nhan nhản “ngôi sao”, có những tài năng thực sự nhưng có danh hiệu “tự phong”, có cả những sự gian dối. Làm văn hóa mà thiếu phông văn hóa tối thiểu thì tránh sao được sự dễ dãi, tùy tiện, không ít trường hợp xúc phạm người nghe, người xem. Nghệ thuật vốn có cái gốc là lao động đích thực, là kết quả của sự đam mê, dấn thân, cống hiến, hy sinh, thì bây giờ được đong đếm bằng sự nổi tiếng nhanh và thu lợi nhuận nhiều. Các nhà quản lý văn hóa, vì thế, thường lúng túng khi sự thật được phơi bày. Chưa bàn đến khía cạnh luật pháp, chỉ riêng sự nhàn nhạt, tầm thường, thậm chí là bát nháo của các chương trình giải trí đã thực sự báo động về xu hướng xã hội không còn coi trọng giá trị văn hóa nữa.
Không có gì phải làm cho sự việc thêm khó hiểu, bởi vì, giữ vị trí hàng đầu trong thang giá trị xã hội bây giờ dường như là phải ở biệt thự sang trọng thế nào, nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu, gửi ngân hàng bao nhiêu tiền, ăn sáng ở đâu, tiêu xài hàng hiệu gì,... Không ít người coi đó là “tinh hoa” của xã hội. Và vì thế, cũng không có gì khó hiểu khi mà các địa phương đang đua nhau xin phép xây sòng bạc. Chính lối sống thực dụng coi đồng tiền là trên hết đã kích thích máu đỏ đen của những người muốn có tiền nhanh, là chỉ báo về đạo đức xã hội suy thoái, văn hóa xuống cấp.
Đằng sau những nơi hứa hẹn thu lợi lớn ấy là hậu quả, hệ lụy như thế nào thì chẳng cần bàn thêm, vì ai cũng thấy, và thấy rất rõ. Có người khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất, gia đình tan vỡ, cha mẹ già, con nhỏ không còn nơi nương tựa, bấu víu. Có người tù tội, có người cùng quẫn tìm đến cái chết. Rồi đi kèm theo đó là nạn cho vay nặng lãi, cướp giật, đòi nợ thuê chém giết nhau, ma tuý, mại dâm… và còn nhiều tệ nạn khác nữa không tiện kể ra ở đây. Kinh doanh máu đỏ đen có lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy đó là môi trường kích phát, nuôi dưỡng thói dối trá, lọc lừa.
Có nên chạy theo những giá trị nhất thời, nhiều trường hợp là giá trị “ảo”, để đánh đổi lấy những hệ lụy nhãn tiền ấy hay không? Đó là câu hỏi dành cho các nhà quản lí. Nhưng, văn hóa có xuống cấp không khi mà cứ phải có hoa hậu, người đẹp đi làm từ thiện thì mới được nhiều người quan tâm? Văn hóa có xuống cấp không khi cứ phải xây sòng bạc mới thu hút được tiền đầu tư? Đó lại là những câu hỏi không chỉ dành riêng cho các nhà quản lí, mà trách nhiệm trả lời là của tất cả chúng ta. Không có nhiều người máu đỏ đen thì ai bỏ tiền đầu tư xây sòng bạc? Không có nhu cầu về người đẹp thì làm sao lại bội thực những cuộc thi?
Cuối cùng, xin nói rõ thêm là ngoài luật pháp, để điều tiết thang giá trị văn hóa có nhiều thiết chế khác như trường học, cơ quan đoàn thể, tổ chức, và quan trọng nhất là từng gia đình, nơi khởi đầu của mỗi người từ nết ăn ở, thái độ trong việc kiếm tiền và tiêu tiền, cho đến nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần, thưởng thức nghệ thuật,… Chạy theo những giá trị nhất thời, những giá trị “ảo”, là tự hạ thấp chính mình./.