Học yêu thương trong bất ổn

Thảm hoạ do thiên nhiên hay sự bất ổn chính trị dẫn đến bạo lực, suy cho cùng đều do con người. Thế giới chỉ tốt đẹp hơn khi con người trở về với bản năng gốc của chính mình: yêu thương và chia sẻ  

>> Số người thiệt mạng vì động đất ở Trung Quốc lên tới gần 1.500

>> 100.000 người dự lễ cầu nguyện Tổng thống Ba Lan

>> Hàng không châu Âu tê liệt vì núi lửa

Chỉ riêng trong tuần này, chúng ta liên tiếp phải chứng kiến nhiều thảm hoạ kinh hoàng: từ tai nạn máy bay làm thiệt mạng Tổng thống Balan, động đất tại Trung Quốc, núi lửa phun trào ở Châu Âu, lốc xoáy ở Ấn Độ, rồi bất ổn chính trị ở Thái Lan, Kyrgyzstan...

Trong bối cảnh thế giới dường như đang trở nên bất ổn hơn thì một thông điệp nổi bật mà ai cũng có thể cảm nhận được:  Để duy trì bình yên và hạnh phúc cho con người, các quốc gia, các chính trị gia không thể quay lưng lại với nhau mà cần hợp tác, đồng cảm và chia sẻ hơn nữa để đối phó được với những thách thức mang tính toàn cầu.

Một em bé mới sinh tại vùng động đất Thanh Hải- Núi lửa ở Iceland- Tưởng niệm nạn nhân máy bay tại Ba Lan

Thảm hoạ thiên nhiên, tai nạn, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị... tưởng chừng như không có mối liên hệ nào, nhưng thực chất gặp nhau ở 2 điểm chung. Đó là dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp, tác động trước mắt hay hiểm hoạ lâu dài..., tất cả đều phần nào xuất phát từ hành vi của con người. Và cuối cùng, lại chính là con người, đặc biệt là dân nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những bất ổn đó. 

Những thảm họa quá lớn về tự nhiên mặc dù khó tránh khỏi thiệt hại nhưng hậu quả của nó sẽ được khắc phục nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào con người, vào sự hợp tác trong cộng đồng và giữa các quốc gia.

Bất ổn, xung đột về chính trị thậm chí còn đẫm máu hơn cả thiên tai, suy đến cùng là hoàn toàn có thể tránh được nếu các nhóm lợi ích, các đảng phái, các chính trị gia, và các quốc gia có khả năng chi phối bàn cờ chính trị thế giới biết kiềm chế tham vọng của mình, nhượng bộ và thỏa hiệp được với nhau.   

Tình hình thế giới tuần qua khiến những người dù là lạc quan nhất cũng cảm thấy nản lòng và lo lắng về tương lai của nhân loại. Nhìn từ trung tâm các sự kiện ấy, mới thấy sự sống và hạnh phúc của con người thật mong manh.

Thực tế này phần nào là nghịch lý khi mà thế giới đang ở thời đại khoa học công nghệ phát triển rất cao, nhân loại cũng đã làm được nhiều điều kỳ diệu. Trong đó, bước tiến vũ bão của công nghệ thông tin đang khiến cho thế giới càng phẳng ra và hẹp hơn, nói cách khác là mọi người trên thế giới cảm thấy gần nhau hơn trước rất nhiều…

Vấn đề có thể nằm ở chỗ đôi khi chúng ta đã sao nhãng một nguyên tắc cơ bản nhất từ những xã hội sơ khai: Đó là phải luôn coi con người là trung tâm, là động lực mạnh mẽ nhất của mọi sự phát triển.

Nếu có sự phân hóa quá lớn trong xã hội, khi mà của cải và quyền lực chỉ tập trung vào một bộ phận thiểu số, trong khi sự nghèo túng và bất hạnh tràn ngập phần con lại cũng như sự giàu có, sung túc chỉ rơi vào một nhóm nhỏ quốc gia nào đó… thì đấy là nguồn gốc dẫn tới xung đột và đổ máu.

Và để hạn chế thấp nhất nguy cơ xung đột, bất ổn ở trong mỗi quốc gia hay trên phạm vị toàn cầu, điều cần nhất là con người phải tự thôi thúc để trở về với bản năng gốc của chính mình: yêu thương và chia sẻ. Các chính trị gia cần bắt tay với nhau để chia sẻ  mối âu lo chung về tương lai của dân tộc và đất nước mình trong ngôi nhà chung thế giới.

Hơn lúc nào hết, rất cần có sự chung tay ở các khu vực và trên toàn cầu để ứng phó thành công với những vấn đề đã vượt qua khả năng xử lý của bất kỳ quốc gia nào, cho dù đó có là cường quốc đi chăng nữa. Những hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân hay biến đổi khí hậu khí hậu đã diễn ra cho thấy nhận thức về nhu cầu hợp tác đã có, nhưng vẫn chưa đủ để  biến thành những hành động cụ thể và thực chất hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên