Khát vọng kỳ tích Điện Biên Phủ thời bình
VOV.VN -Thời nay, chúng ta khao khát những Điện Biên Phủ trong xây dựng hòa bình, những cột mốc vàng trong kinh tế, khoa học, giáo dục.
Trận Điện Biên Phủ 60 năm trước đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… là cột mốc vàng chiến thắng ngoại xâm. Hơn thế, trận Điện Biên Phủ đã vượt lên tầm vóc một sự kiện lịch sử dân tộc, thành sự kiện có sức dư chấn lớn, mang ý nghĩa quốc tế và tầm vóc thời đại, cổ vũ các dân tộc bị xâm lược, thuộc địa đứng lên vũ trang giành độc lập.
Điện Biên Phủ là “vành hoa đỏ”, là “thiên sử vàng”; Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là vì thế.
Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng được cắm trên nóc hầm Tướng De Castries. (Nguồn: TTXVN) |
Để có một Điện Biên Phủ, không chỉ có “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non”, mà là cả cuộc kháng chiến 3.000 ngày không nghỉ, từ thời khắc đại bác pháo đài Láng nã vào đầu thực dân Pháp bội ước cho đến khi lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries! Rõ là “chín năm làm một Điện Biên”! Chín năm là gần 3.000 ngày, là gấp gần 60 lần “năm mươi sáu ngày đêm”; là biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của nhân dân, bộ đội…
Để đi đến một Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải qua bao cuộc so gan, đấu trí, đọ sức, đọ chí, qua từng trận đánh, từng chiến dịch; từ chân đất, tầm vông, súng trường đến ô tô, đại bác, lớn mạnh qua từng ngày, để rồi một ngày dám chấp nhận trận quyết chiến chiến lược nơi cứ điểm lòng chảo Mường Thanh ở vùng Tây Bắc một thuở xa xôi. Với Điện Biên Phủ, kẻ thù định dụ Việt Minh vào bẫy để tiêu diệt gọn, thì chính cái bẫy ấy, mang đại họa cho kẻ giương bẫy, chôn vùi giấc mộng thực dân!
Để có trận Điện Biên Phủ toàn thắng, quân dân ta biết chọn đánh trận mở màn Him Lam, đập tan các cứ điểm vòng ngoài Độc Lập, Bản Kéo, tiến tới đào hào vây lấn cứ điểm trung tâm đồi A1, làm sụp đổ cả hệ thống phòng thủ của địch ở Điện Biên Phủ.
Làm nên Điện Biên Phủ có lớp lớp bộ đội, dân công, thanh niên xung phong; có sự phối hợp hợp đồng chiến trường gần, chiến trường xa; có sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại; có nội lực và ngoại lực với nhân loại tiến bộ và anh em bạn bè gần xa…
Làm nên Điện Biên Phủ, có lớp lớp những người dám hy sinh: Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Trần Can bất chấp hiểm nguy cầm cờ xông lên mặt đối mặt với kẻ thù… Nếu không có lớp lớp những người anh hùng dám hy sinh, dám đi đầu, thì không thể mở cánh cửa tiến lên đánh sập những boong-ke, hầm ngầm, cứ điểm cố thủ của đối phương; cũng không thể cổ vũ người người lớp lớp tiến lên!
Trận Điện Biên Phủ thắng lợi, cũng là do dân tộc ta có lãnh tụ Hồ Chí Minh mưu lược, biết địch biết ta, biết khơi dậy và tập hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, biết chọn mặt gửi vàng, giao quyền “tướng quân tại ngoại” cho vị tướng dưới quyền mà mình tuyệt đối tin tưởng, với một nguyên tắc “chắc thắng thì đánh”. Vị Đại tướng văn võ song toàn, dĩ công vi thượng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều vị tướng tài ba khác đã không phụ lòng tin của lãnh tụ, góp phần quyết định làm nên một Điện Biên Phủ thắng lợi vẻ vang nhưng tốn ít xương máu của nhân dân, binh sỹ!
60 năm qua, dân tộc ta lại đã có thêm những trận Điện Biên Phủ mới trong chiến tranh vệ quốc, đó là một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972; một Điện Biên Phủ “chặt Buôn Ma Thuột rụng cả Tây Nguyên” tháng 3/1975… Nhưng trong xây dựng hòa bình, kiến thiết đất nước, thực sự một Điện Biên Phủ cột mốc vàng trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… vẫn còn là khát vọng.
Câu hỏi vì sao những Điện Biên Phủ trong kiến thiết đất nước vẫn đang còn là khát vọng, day dứt và thôi thúc chúng ta.
Tinh thần, ý chí Điện Biên Phủ phải thường trực trong tâm thức mỗi người dân, trong từng cán bộ, đảng viên, chiến sỹ. Hãy có thói quen động não, phản biện mỗi khi quyết định công việc hệ trọng, như những người lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng làm. Hãy dám hy sinh, dám đi đầu trong mỗi việc khó để khơi thông dòng chảy, tạo nên những bước ngoặc, cột mốc trong đổi mới, sáng tạo. Trước mỗi việc làm liên quan đến quốc kế dân sinh, hưng vong, thành bại của cộng đồng, quốc gia, phải biết cân nhắc thiệt hơn, “chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Trước mỗi dự án tiêu tiền của dân phải lường trước cái lợi cái hại, không thể làm với mọi giá; càng không thể hành động khi chỉ biết có lợi cho cá nhân, không cần biết hiệu quả mang lại cho cộng đồng, đất nước như thế nào…
Tinh thần Điện Biên Phủ phải thấm nhuần trong mỗi việc làm, để đất nước nhanh giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.