Việt Nam trong tuần:

Lá phiếu và độ tín nhiệm của cán bộ chủ chốt

(VOV) - Nhiều địa phương lấy phiếu tín nhiệm, kết thúc đợt 2 kỳ thi Đại học… là những vấn đề được quan tâm trong tuần

Nhiều địa phương lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh chủ chốt. Tiếp sau Hà Nội, hàng loạt tỉnh thành khác trong cả nước đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp của HĐND, trong đó có các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, TP HCM…

Chủ tịch HĐND TP và Chủ tịch UBND TP thực hiện lấy phiếu tín nhiệm
Nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương đã được thực hiện một cách dân chủ, công khai, khách quan, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 35 và các hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của các địa phương đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nơi tiến hành từ cấp tỉnh rồi đến cấp huyện, cấp xã. Có nơi thì làm ngược lại.

Dù chưa hẳn kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương đã phản ánh chính xác 100% thực tiễn nhưng chắc chắn rằng, lá phiếu của các đại biểu dân cử chính là thước đo tín nhiệm của cử tri đối với các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính quyền. 

Hoàn thành tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt – Lào

Sau 5 năm triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc giới hiện đại, bền vững bằng đá hoa cương với 793 vị trí mốc (tương ứng với 835 cột mốc) và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu trên tuyến biên giới dài 2.067km, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thongsing Thammavong tại Lễ khánh thành cột mốc đại số 460 (Ảnh:TTXVN)

 Việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và nhất trí cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đề nhấn mạnh: việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam – Lào trên thực địa là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắt Việt – Lào; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Yêu cầu kỷ luật, khiển trách nhiều lãnh đạo cấp tỉnh

Tại kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết nhiều nội dung quan trọng.

Một trong những nội dung đó là xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, những tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đảng viên: Đồng chí Nguyễn Đình Nhương, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Đồng chí Đào Tấn Nguyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đồng chí: Nguyễn Huy Dự, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Đức Đuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật 3 đồng chí bằng hình thức khiển trách, vì đã vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Thành Tẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Kết thúc đợt 2 kỳ thi Đại học

Theo Bộ Giáo dục-Đào tạo, trong 3 buổi thi của đợt 2, trên phạm vi cả nước, có 199 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 43; cảnh cáo: 13; đình chỉ: 143). Số thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi; có 3 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó  khiển trách 2 cán bộ, 1 bị đình chỉ.

Thí sinh làm bài thi môn Toán trong đợt 1 kỳ thi ĐH 2013
Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế  tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. 

 Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.

Đề thi các môn thi đại học đợt II khối B, C và D có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đề thi có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.

Đợt thi thứ 2 thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi và việc đi lại của thí sinh; Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, thí sinh đến dự thi đúng giờ.

Hà Nội công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10

Trong tuần, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã ban hành quyết định duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2013-2014.

Theo đó, trường THPT Chu Văn An có mức điểm chuẩn cao nhất với 53,5 điểm, mức điểm này thấp hơn so với năm ngoái (56 điểm). Trường THPT Phan Đình Phùng năm nay mức điểm chuẩn cũng hạ xuống 4,5 điểm so với năm ngoái, chỉ còn 49,5 điểm.

Trường THPT Lưu Hoàng và Đại Cường có mức điểm chuẩn thấp nhất là 22 điểm.

Như vậy, giữa các trường lấy điểm chuẩn cao nhất và thấp nhấp có sự chênh lệch điểm chuẩn khá lớn, đến 27,5 điểm. Nhiều trường mức điểm chuẩn cũng hạ xuống 2-6 điểm so với năm ngoái.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập và lớp không chuyên của thành phố năm nay là 49.428, giảm 1.400 chỉ tiêu so với năm 2012.

Một tuần chuyển động ngược chiều của giá vàng

Tuần này, giá vàng trong nước giảm 700.000 đồng/lượng, trái ngược với xu thế tăng mạnh của giá vàng quốc tế.

Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng đang được các doanh nghiệp kim hoàn lớn áp dụng phổ biến từ 150.000-200.000 đồng/lượng. Trong tuần, có những thời điểm chênh lệch giá mua-bán vàng SJC giãn rộng lên mức 600.000-700.000 đồng/lượng, nhất là vào những thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Lấy thời điểm cuối tuần trước làm mốc so sánh, giá vàng SJC hiện đã giảm 700.000 đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới tăng 4,8% trong tuần. Giá vàng trong nước đã chịu sức ép giảm giá khi giá USD tự do xuống giá mạnh. 

Một diễn biến tích cực của giá vàng trong tuần này là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn. Đây được xem là tác động từ nhu cầu vàng có chiều hướng giảm khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái vàng. Sau một loạt phiên liên tục chào thầu hơn 1,5 tấn vàng, tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã hạ mức chào thầu về 1 tấn mỗi phiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên