Lao động bất hợp pháp: Hệ luỵ lâu dài

Hình ảnh người lao động xuất khẩu hôm nay sẽ mở rộng hoặc khép kín cánh cửa cho thế hệ lao động mai sau  

Thông tin 8.000 người lao động Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc khiến dư luận xã hội bất bình. Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động xuất khẩu “đắt giá”, thu nhập tương đối khá (trung bình 200-300 triệu đồng/người/năm), được nhiều người lao động quan tâm và hướng tới.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có trên 60.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Kể từ khi có chương trình ký kết hợp tác lao động của Hàn Quốc với các nước đối tác (chương trình EPS), Việt Nam luôn là nước đứng đầu trong số 15 nước đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này.

Người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty Huyndai, Hàn Quốc (Ảnh: Lê Hằng)

Trong nhiều cuộc làm việc giữa các cơ quan chức năng, đại diện của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đều có những đánh giá tốt đẹp về lao động Việt Nam. Đức tính cần cù, sự nhanh nhẹn nắm bắt công việc và linh hoạt trong xử lý của người lao động Việt Nam đã gây thiện cảm với nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Thêm nữa, những tương đồng về phong tục văn hoá của 2 nước phương Đông cũng làm gần gũi hơn quan hệ chủ- thợ giữa hai bên.

Ấy vậy mà, không phải chỉ có “con sâu bỏ rầu nồi canh”, một số lượng đáng kể người lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc không trở về Việt Nam, mà trốn ở lại làm việc bất hợp pháp. Sự việc càng tồi tệ hơn khi có cả những nhóm người lao động chỉ vừa làm thủ tục nhập cảnh xong đã bỏ trốn, không làm việc theo hợp đồng. Những sự việc này đã gây nên một hệ luỵ không nhỏ: Phía Hàn Quốc đang dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, mà cụ thể hơn, kỳ thi sát hạch tiếng Hàn để tuyển lao động đầu tháng 8 vừa qua đã bị phía bạn hoãn tổ chức.

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động, giảm sức ép việc làm trong nước, góp phần xoá đói giảm nghèo. Sau vài chục năm Nhà nước thực hiện chủ trương đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn, nhiều thế hệ người lao động Việt Nam đã tạo nên một hình ảnh đẹp về người Việt Nam. “Chăm chỉ, sáng dạ, khéo tay, nhanh ý” là những lời nhận xét dành cho lao động Việt Nam của người sử dụng lao động ở hầu hết các thị trường, từ các nước Đông Âu, các nước Trung Đông cho đến các thị trường châu Á.

Song bên cạnh đó, một bộ phận người lao động Việt Nam đã để lại hình ảnh méo mó trong con mắt người dân và người sử dụng lao động tại một số địa bàn. Một số người lao động uống rượu, làm thịt chó, nhậu nhẹt say sưa là những hình ảnh không thể chấp nhận được ở những nước theo đạo Hồi. Một số khác có biểu hiện tắt mắt, nói dối hoặc chây lười… cũng tạo nên ấn tượng xấu về người lao động Việt Nam.

Quay trở lại việc người lao động Việt Nam bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu tình hình này không được hạn chế và chấm dứt, không thể loại trừ việc thị trường Hàn Quốc đóng cửa đối với lao động Việt Nam. Hơn nữa, hiện tượng này còn có thể tạo nên một ấn tượng xấu đối với các thị trường lao động hình ảnh người lao động Việt Nam “vô kỷ luật” và bất chấp luật pháp. Điều này sẽ để lại hệ luỵ khôn lường!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên