Mùa thanh long đắng và sự đơn độc của nông dân
VOV.VN -Nhà nước phải tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc thế mạnh từng vùng để định hướng thị trường cho những sản phẩm chủ lực.
Giữa mùa thanh long chín đỏ dải đất Nam Trung Bộ, giá thu mua chỉ còn 2.000-3.000 đ/kg, thậm chí có nơi còn dưới 1.000 đ/kg, nhiều nhà phải bỏ cho bò ăn để dọn vườn chuyển sang vụ kế tiếp.Với những người nông dân hai sương một nắng, đặt cược cả gia tài của mình vào vườn thanh long, thì đó là một nỗi đau khó bù đắp…
Đây không phải lần đầu tiên người nông dân phải khóc ròng khi được mùa trên chính vuông vườn, thửa ruộng nhà mình. Tình trạng ấy đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng rồi cứ “đến hẹn lại lên” và đối tượng thua thiệt trong cuộc chơi thị trường ấy vẫn luôn là người nông dân.
|
Nguồn cung dư thừa, giá sụt giảm và nguy cơ chặt vùng nguyên liệu lại có thể xảy ra. Không khó hiểu khi biết 80% sản lượng thanh long xuất khẩu là sang thị trường Trung quốc và những ngày gần đây phía Trung Quốc không nhập thanh long nữa dẫn đến việc các thương lái trong nước không đến thu mua và hệ luỵ giá rớt thê thảm đã không thể tránh khỏi.
Sự lệ thuộc lớn vào một thị trường không phải chỉ xảy ra với trái thanh long. Chuyện thừa chuối, thừa thịt lợn, ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu…cách đây ít lâu cùng rất nhiều nông sản dư thừa trước đó đã là những bài học đắt giá.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: tới thời điểm này, phát triển thị trường và công nghiệp chế biến vẫn là hai điểm nghẽn lớn nhất với nông nghiệp- nông thôn hiện nay. Thiếu thông tin thị trường khiến cho nhiều vùng quê, người dân đổ xô nuôi trồng một loại cây trồng, vật nuôi được giá và thảm hoạ thừa mứa đã xảy ra như với trái thanh long, dưa hấu, củ cải…
Chỉ cách đây hơn 1 năm, Chính phủ quyết tâm thúc đẩy gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để đầu tư cho công nghệ cao, nhưng tới giờ, sự tắc nghẽn đầu ra cho nhiều loại nông sản vẫn còn là vấn đề lớn; vượt ra khỏi tầm xoay sở của các địa phương vốn chưa quen với việc đa dạng hoá thị trường.
Có một thực tế là nếu không làm rõ được thị trường, không đa dạng hoá người mua, sản xuất ra không có người chế biến, bảo quản thì chưa thể vội đầu tư công nghệ đắt tiền mở rộng sản xuất. Ngược lại, cũng chưa vội vã mở rộng diện tích cây trồng ra một vùng nếu chưa có những nghiên cứu kỹ càng về thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thống tưới tiêu và thị trường tiềm năng cho nó.
Bài học tích hợp công nghệ trong sản xuất- chế biến-tiêu thụ sản phẩm chưa bao giờ cần như lúc này. Mối liên kết 4 nhà cũng thực sự cần hơn bao giờ hết. Giờ là lúc phải xem lại vì sao trong từng ấy năm mối liên kết giữa Nhà nước- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự thành công? Ấy là bởi việc thực hiện quyết định 80 đã không đảm bảo được thu nhập ổn định và công bằng giữa các đối tượng tham gia liên kết.
Cũng chính TS Đặng Kim Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây đã chỉ rõ: người nông dân, chủ thể chính trong chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) lại chưa trở thành trung tâm trong phát triển ở khu vực nông thôn bằng những chính sách rõ ràng.
Phải làm sao tạo được những chính sách mang tính đột phá cho khu vực nông thôn như khoán 10 trước đây bằng việc đưa nông dân vào những hợp tác xã kiểu mới; giúp họ liên kết với nhau tạo thành những cộng đồng bền chặt, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng làng xã. Những cộng đồng ấy kết hợp với nhau để thúc đẩy sản xuất nông sản sạch theo hướng hàng hoá lớn, tìm lối xuất khẩu nông sản và dần dần biết đặt hàng nhà khoa học chế biến sản phẩm cho mình. Sự liên kết ấy sẽ khiến những người nông dân không đơn độc, không bị đẩy ra ngoài rìa của công cuộc phát triển nông thôn và phải lên thành phố tìm những công việc đắp đổi qua ngày như giúp việc, phụ hồ, xe ôm…
Vấn đề hiện nay là Nhà nước phải đóng vai trò “nhạc trưởng” trong đầu tư cho nông nghiệp, định hướng ngay từ đầu quy hoạch sản phẩm và thị trường. Nhà nước phải tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc thế mạnh từng vùng để định hướng thị trường cho những sản phẩm chủ lực để các địa phương tổ chức thực thi quy hoạch đó.
Cho dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành chung về sản xuất thì việc mở rộng hay thu hẹp diện tích phải dưới sự điều hành chung của Chính phủ, sau khi đã thống nhất với các bộ tham mưu khác về thị trường xuất khẩu. Chính sách phải làm sao để người nông dân không cảm thấy đơn độc ngay trong mùa vàng bội thu cây trái!./.