Nghịch lý nông sản Việt

Nông sản trong nước chật vật tìm thị trường tiêu thụ, nhưng nông sản ngoại thì hiện diện khắp nơi

Là một quốc gia nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới nhưng mỗi năm, nước ta lại phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu đủ loại nông sản, từ rau củ, trái cây, đến thức ăn chăn nuôi, muối, sữa. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay, rất cần được bàn thảo tìm hướng giải quyết.

Đi đến bất kỳ chợ hay siêu thị nào, chúng ta đều bắt gặp rất nhiều hàng hóa nông sản nước ngoài. Nhỏ như mớ rau, quả ớt, cọng hành đến các mặt hàng như nho Mỹ, xoài Thái, táo Trung Quốc, sữa Úc, gạo Nhật... Những nông sản có lẽ nông dân trong nước còn phải chật vật để tìm thị trường tiêu thụ thì sản phẩm tương đương của nước ngoài lại nghiễm nhiên có mặt trong bữa ăn từng gia đình người Việt.

Năm 2009, nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà vui mừng vì trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước vẫn đạt 15,4 tỷ USD, vượt dự kiến hồi đầu năm 12 tỷ USD. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản lượng như gạo, cà phê, tiêu, điều… Thế nhưng, năm qua, nước ta cũng tốn khoảng 150 triệu USD nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, 45 triệu USD nhập nông sản từ Thái Lan. Nông dân trồng ngô, hoa màu với diện tích lớn, ngư dân đánh bắt cá với sản lượng hàng ngàn tấn/năm nhưng hằng năm vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, cỏ khô, bột cá... từ 25 nước trên thế giới.

Sự thật này làm tăng thêm nỗi lo lắng, bức xúc của hàng chục triệu nông dân mỗi khi trúng mùa lại lo rớt giá, ế hàng. Cả cánh đồng rau từng bị bỏ đi do không có nơi tiêu thụ, những ruộng dưa, cà chua, dứa… để thối không buồn thu hoạch do không có đầu ra. Vậy mà, ở thị trường trong nước, hàng nông sản của nước ngoài ào ạt  tràn vào, thậm chí hoa quả Việt Nam được dán nhãn mác ngoại nhập hoặc hoa quả các nước khác “đội lốt” hoa quả Việt Nam bày bán khắp các chợ, siêu thị.

Thực trạng đáng buồn này được bắt nguồn chủ yếu từ sự yếu kém của nền sản xuất, kinh doanh nông sản nước ta, chứ không phải do quá trình hội nhập.

Vẫn biết, khi hội nhập, chúng ta chấp nhận sân chơi chung, có cơ hội và cả những thách thức. Các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý của nước ngoài đương nhiên sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng trong nước. Nhưng thật ngạc nhiên là có những nông sản Việt phải chào thua mà không hề yếu thế về tiềm năng, chất lượng.

Chúng ta đã sản xuất tốt, tạo ra sản lượng dồi dào nhưng khâu quản lý chất lượng yếu, khâu tiếp thị không hiệu quả, khâu phân phối chưa chu đáo đã tạo nên những khoảng trống cho nông sản nước ngoài chen chân ngay tại sân nhà.

Mỗi năm, nước ta tốn hàng tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản tại nước ngoài nhưng thị trường trong nước rất giàu tiềm năng lại chưa được quan tâm đúng mức. Thực hiện chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nên chăng bắt đầu từ những “cây nhà lá vườn”, từ những nông sản Việt trong mỗi bữa ăn hàng ngày của người dân!

Với những ưu thế đặc trưng về khí hậu, đất đai, sự cần cù và sáng tạo của người lao động, nhiều vùng miền nước ta dễ dàng tạo lập được những nông sản có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của nông dân Nhật Bản đã tạo nên những nông sản nổi tiếng trong và ngoài nước như: nấm hương khô, chanh kabosu, cá saba..., đem lại thu nhập gấp đôi cho người dân. Sự thành công trong phát triển nông sản ở Nhật Bản cho thấy: sản xuất ra sản phẩm không phải là khó, mà mấu chốt là nằm ở khâu tiêu thụ.

Chỉ khi người dân nhận thức được vấn đề này, cùng sự vào cuộc thực sự của các ban ngành chức năng, nông sản Việt sẽ không những lấn át được nông sản nước ngoài ở thị trường nội địa, mà còn vươn xa, chiếm được cảm tình của khách hàng quốc tế. Theo đó, một mặt, tổ chức sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh; mặt khác, cần đầu tư mạnh hơn nữa cho phân phối, tiếp thị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Hiện thực hóa Đề án “Phát triển thương mại nông thôn” mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cũng sẽ tạo bước nhảy vọt cho tiêu thụ nông sản trong nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai tốt các hàng rào kỹ thuật mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép đối với nông sản nhập khẩu, ngăn chặn hàng kém chất lượng từ nước ngoài tràn vào để bảo vệ hàng nông sản trong nước./

Hương Lan

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên