Người dân “lãnh đủ” hậu quả từ các công trình kém chất lượng!
VOV.VN -Đến bao giờ người dân không phải chịu cảnh thở dài, chịu đựng chấp nhận hậu quả do những công trình kém chất lượng mang lại?
Trưa qua (21/7), đường ống dẫn nước của Nhà máy nước sông Đà, cung cấp nước cho hơn 70.000 cư dân thủ đô lại vỡ. Đây là sự cố vỡ đường ống lần thứ 11, và người dân chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với những lần vỡ -không-thể -tránh –khỏi của công trình kém chất lượng này. Một câu chuyện khác trong ngày hôm qua: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục họp bàn giải pháp xử lý tình trạng hằn lún mặt đường, gây mất an toàn giao thông.
Khi nghe tin đường ống nước sông Đà lại vỡ, nhiều người dân thủ đô ở khu vực được cấp nước từ nhà máy nước Sông Đà chỉ biết thở dài! Thở dài và chấp nhận thực tế, sẽ bị cắt nước sinh hoạt trong vài giờ, hoặc vài ngày, tùy thuộc vào việc khắc phục hậu quả của “ông” nhà máy nước.
Người dân thủ đô chỉ biết ngao ngán thở dài vì đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ |
Thở dài và chấp nhận thực tế, bởi: những người phải chịu trách nhiệm về công trình kém chất lượng này đã phải lĩnh hậu quả, chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Còn công trình, vận hành được ngày nào tốt ngày ấy, để còn chờ đường ống dẫn nước thứ hai, được làm mới theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, mà chưa biết bao giờ mới xong, để thay thế cho cái đường ống cũ, không đảm bảo chất lượng, luôn có nguy cơ vỡ bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào.
Với người tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, thì giờ đây, ra đường là nơm nớp lo tai nạn giao thông, từ đủ các thứ tai họa từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên, trong đó có việc phải đi trên những tuyến đường lượn sóng, gồ ghề “sống trâu” do bị hằn lún vệt bánh xe.
Đến nay, chưa có con số chính thức nào thống kê, liệu đã có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra do đường hằn, lún. Rồi liên quan đến chi phí của toàn xã hội bỏ ra (từ ngân sách Nhà nước-tiền thuế của dân, hay doanh nghiệp) khắc phục hậu quả đường xấu, chắc chắn cũng là con số không hề nhỏ.
Với những người dân ở các khu nhà tái định cư ở các đô thị lớn: Có lẽ, chưa có khu nhà nào đảm bảo chất lượng, làm người dân hài lòng, bởi chất lượng xây dựng quá kém, nhẹ, thì bong tróc vôi vữa, rò rỉ, thấm nước từ tầng trên xuống tầng dưới, nặng thì lún nứt, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Rồi vụ mới đây, một cây cầu dân sinh ở Long An, sau 2 tháng đưa vào sử dụng đã bị sập, do bỏ qua quy trình khoan thăm dò địa chất .
Có quá nhiều vụ việc, công trình kém chất lượng, khi hậu quả xảy ra, truy tìm nguyên nhân: nào là thiết kế sai, nào là dùng vật liệu không đúng quy chuẩn, nào là thi công không đúng quy trình… và còn cả nguyên nhân lớn khác, là công trình bị “rút ruột”, gian lận, bớt xén nguyên vật liệu.
Quy chuẩn xây dựng nhà, cầu, đường… của chúng ta, cái gì cũng đủ cả. Quy trình từ tư vấn, giám sát, thi công… cũng rất đầy đủ. Nhưng công trình chất lượng kém vẫn “ra lò” đều đều trong mọi lĩnh vực. Chắc chắn còn nhiều công trình kiểu “đường ống nhà máy nước Sông Đà”, chỉ chờ thời gian để “vỡ”, để lộ ra những sai phạm.
Việc đường hằn lún xảy ra trên các tuyến quốc lộ chưa hết thời gian bảo hành, hoặc mới đưa vào sử dụng vào những đợt cao điểm nắng nóng, cũng đã lộ ra rất nhiều vấn đề. Nhiều đến nỗi, và gây bức xúc dư luận đến nỗi, Bộ Giao thông vận tải phải thành lập cả một Tổ đặc nhiệm, để xử lý vấn đề này, mà cũng vẫn chưa thực sự xác định được nguyên nhân nào là chủ yếu dẫn đến tình trạng lún nứt này.
Nhưng có một điều rõ ràng, là ông Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải, người được phân công làm “Tổ trưởng” Tổ đặc nhiệm này, sau khi điều tra, khảo sát, đã thẳng thắn chỉ ra: Độ non kém về kỹ thuật thi công, cộng với công tác giám sát các quy trình không chặt, thậm chí nhiều khâu quan trọng bị bỏ qua, bớt xén như thử nghiệm vật liệu… đã khiến nhiều con đường mới đưa vào vận hành đã bị hằn lún, xuống cấp.
Và Tổ đặc nhiệm đã tìm ra một số giải pháp, qua theo dõi, áp dụng trên một số tuyến đường thời qian vừa rồi, đã thấy không có tình trạng lún, nứt. Trong cuộc họp ngày hôm qua về xử lý đường bị hằn lún quốc lộ 5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ rõ: Trách nhiệm chính thuộc về các Ban quản lý dự án!
Chắc hẳn, cần rất nhiều những “Tổ đặc nhiệm” trong các lĩnh vực, để chấn chỉnh, bảo đảm chất lượng công trình, để người dân không phải chịu cảnh thở dài, chịu đựng chấp nhận hậu quả do những công trình kém chất lượng mang lại.
Có một điều: Giá như tất cả các quy định, quy trình được thực thi nghiêm túc, các sai phạm được phát hiện sớm, xử lý nghiêm, để không cần phải có những “Tổ đặc nhiệm”, thì vẫn tốt hơn nhiều!./.