Nhà báo vào nhiều vai để “tròn vai”

(VOV) -Người làm báo không chỉ phản ánh cuộc sống, là “thư ký của thời đại”, mà quan trọng hơn, là sẻ chia và kết nối xã hội.

Người ta nói thời đại ngày nay là thời của báo chí, kể không sai.

Nói rằng nhà báo thời nay có việc làm và lắm việc nhất là quá đúng.

Vấn đề là lao động, sáng tạo làm sao cho xứng danh nhà báo, một nghề cao quý, tận tâm với dân với nước trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và hội nhập.

Ngày ngày, thực trạng xã hội, hiện thực cuộc sống được phản ánh ngồn ngộn thông tin qua hơn 700 báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 34 báo mạng cùng hàng nghìn trang tin điện tử.

Nhà báo đóng vai trò nhiều hơn là "thư ký thời đại"

Hơn 17.000 nhà báo cả nước đang hàng ngày, hàng giờ cho ra những tác phẩm báo chí trên cả 4 phương tiện truyền thông là báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử và chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm của mình.

Người làm báo ngày nay không chỉ là phản ánh cuộc sống, là “thư ký của thời đại” mà quan trọng hơn nữa là sẻ chia và kết nối xã hội.

Nếu như không lăn xả vào cuộc sống, nếu như không hiểu và nắm bắt chế độ chính sách, pháp luật, không cập nhật thông tin và tích hợp kiến thức thì nhà báo sẽ không có tác phẩm có hàm lượng, giá trị thông tin cao. Nhà báo không đi sâu vào đời sống thường nhật của lớp trẻ rất sôi động thì không thể thu hút lớp người đang độ sung sức.

Đến nay, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là có hơn 31 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, trong đó hơn 73% dưới độ tuổi 35. Cả nội dung và hình thức thông tin nếu không mềm dẻo, không nóng hổi thì khó thu phục lớp trẻ. 

Nói như vậy không có nghĩa là đây đó không có phóng viên “điều hòa”, cho ra phóng sự “phòng lạnh”. Sự thật là hiếm có một tác phẩm “phòng lạnh” nào lại mang tải được sức nóng của hiện thực.

Cuộc sống vốn bề bộn, phức tạp, thời hiện đại càng bộn bề hơn vì không gian   như gần lại, thời gian như ngắn hơn bởi nhịp sống khẩn trương hơn, bởi công nghệ internet phát triển như vũ bảo, đại lộ thông tin cuộn xiết. Thông tin hôm qua đã lạc hậu so với hôm nay, giờ trước, phút trước đã cũ so với giờ sau, khắc sau.

Trong dòng chảy của cuộc sống, nhà báo phải hóa thân vào nhiều vai.

Khi bình luận về một vấn đề, một ngành nhà báo phải có con mắt nhìn của tư lệnh ngành, hoặc nhiều ngành để tham chiếu, đối chiếu, rút ra những điều cần thiết, phù hợp.

Khi phản ánh, phát hiện một vấn đề mới, nhân tố mới, hiện tượng mới từ cơ sở, nhà báo phải sống và nắm bắt những việc cụ thể, từ những con người cụ thể trong hoàn cảnh thật cụ thể.

Nhà báo khó có thể ăn dầm ở dề với cơ sở, với nhân vật như nhà văn, vì nhịp sống của họ phải nhanh hơn, nắm bắt nhạy hơn với chuyển động của hiện thực. Khi đó họ có thể là “hộ nghèo” hoặc “cận nghèo”, họ có thể là trưởng thôn, trưởng bản, thậm chí là kẻ “đào vàng lén lút” hay buôn lậu “than thổ phỉ”. Liều lĩnh hơn khi họ là khách chơi của vũ trường hay lân la bắt chuyện với những kẻ buôn bán, sử dụng ma túy trái phép. Rồi khi họ là thường dân, thậm chí là “phó thường dân”.

Cái cao sang của nhà báo là đạo đức nghề nghiệp, là tác phẩm báo chí có giá trị.

Đạo đức nhất là phản ánh đúng sự thật cuộc sống.

Cuộc sống đan xen bởi nhiều “nhóm lợi ích” thì nhà báo phải đứng về nhóm lợi ích vì đất nước phát triển, vì lợi ích của dân của nước.

Đó là một thử thách với nhà báo và cả nền báo chí trong xã hội hiện đại. Thử thách cái tâm, cái tầm, cái tình trước đồng tiền đầy ma lực. Qua thử thách sẽ hun đúc bản lĩnh nghề nghiệp.

Muốn bản lĩnh, muốn sát cuộc sống, nhà báo phải biết phản biện xã hội. Phải lật đi lật lại vấn đề. Muốn hiểu nhân vật của mình, nhà báo phải đặt họ vào trong hoàn cảnh, trong“tình huống”, phải hiểu tâm tư nguyện vọng, “tính khí” của họ. Người xưa nói: muốn biết một con người như thế nào phải nhìn cách ứng xử của anh ta với người trên, người dưới, người bên cạnh, người cùng trang lứa.

Cái khó và cũng là cái thiếu của nhà báo hiện nay là một số người chưa thông hiểu pháp luật, chính sách của nhà nước. Nếu không hiểu cơ bản và cập nhật kiến thức về luật pháp thì sự phản biện chỉ dừng lại “động thái phản ứng” hoặc “lý sự cùn” mà thôi.

Để làm “tròn vai” Nhà báo trong xã hội hiện đại, cốt tử là phải trung thực và phản ánh trung thực cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên