Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba...

Giá trị văn hoá tinh thần từ thời đại Hùng Vương ngày càng thiêng liêng, cao cả, toả sáng là do Tổ tiên gây dựng, con cháu thành kính bồi đắp…

54 dân tộc anh em sống khắp trên rừng, dưới biển, miền trong, miền ngoài, tiếng nói khác nhau, phong tục tập quán có phần không giống nhau, nhưng đến dịp Quốc giỗ lại cùng hướng về cội nguồn, tự lòng mình  lại cất lên câu ca: Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba...

Nhiều người nước ngoài khi biết dân tộc Việt Nam có chung một Quốc Tổ, có một ngày để con cháu nhớ về, có một không gian chung để con cháu hướng tới, bái vọng, đã tỏ ra ngạc nhiên.

Họ ngạc nhiên bởi trên thế giới hiếm có quốc gia nào có được điều may mắn như thế. Một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, nhưng lại thuận hoà trong một khái niệm đồng bào, cùng chung dân tộc Việt Nam, con Rồng cháu Lạc...thì thật là may mắn và quý giá. Từ mấy ngàn năm nay, điều đó đã trở thành sức mạnh, gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất, gà cùng một mẹ, máu chảy ruột mềm, vượt qua biết bao biến cố cam go.

Theo thời gian, giá trị vật chất có thể hao mòn, nhưng giá trị tình thần thì ngày một gia tăng, viên mãn. Như giá trị văn hoá tinh thần từ thời đại Hùng Vương, qua thời gian, năm tháng, ngày càng thiêng liêng, cao cả; ngày một lung linh, toả sáng. Có được điều này là do tiền bối Tổ tiên ra sức gây dựng, con cháu thành kính bồi đắp qua bao đời.     

Nhân ngày giỗ Tổ năm nay, xin có mấy điều mong muốn...

Phú Thọ là vùng đất phát tích thời đại Hùng Vương, nơi đặt kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang, được dân trăm họ xem là vùng đất Tổ. Nơi đây có lăng mộ Tổ, có hệ thống đền chùa, di tích liên quan đến thời đại các Vua Hùng. Như thế, trước hết là người dân Phú Thọ, đặc biệt là người dân Phong Châu phải bảo vệ, giữ gìn không gian tâm linh này một cách bền vững. Điều quan trọng nhất là không tác động, xâm hại làm biến dạng không gian di tích tâm linh. Việc trùng tu, nâng cấp, mở rộng là cần thiết, nhưng đừng “mới hoá”, “lạ hoá”, “hiện đại hoá” các di tích vốn đã đi vào tiềm thức người dân nước Việt.

Không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng Phú Thọ và Phong Châu văn minh hiện đại cho xứng với vị thế vùng đất Tổ, cố đô thứ nhất của đất nước, mà quan trọng hơn, cần chú trọng bồi bổ ý thức người dân nơi đây.

Ngày giỗ Tổ là sự kiện trọng đại, con cháu cả nước khắp nơi trở về; người dân đất Tổ nên ứng xử theo lối tiếp đón người thân về chung lo lễ trọng. Dù là thời buổi kinh tế thị trường, cũng phải nên lấy tình ruột thịt, nghĩa đồng bào làm trọng, để đồng bào nơi chân trời góc biển khi đặt chân đến vùng đất linh đều cảm nhận tình cảm chân tình, ấm áp của người dân đất Tổ.

Có người còn mong muốn, nên gây dựng một tập quán văn hoá mới: Vào dịp giỗ Tổ, các gia đình chung quanh Đền Hùng dọn dẹp nhà cửa, đón rước đồng bào ở nơi núi cao, đảo xa, đồng bào Việt kiều về nhà mình...Được như thế, tình đồng bào càng thêm bền chặt, mà Tổ tiên cũng ngậm cười. Được như thế, người dân cả nước càng không tính toán thiệt hơn, càng dồn tâm trí, vật lực góp phần xây dựng Phú Thọ, Phong Châu đàng hoàng to đẹp, xứng với vị thế Đất Tổ.

Mỗi năm, không gian đền Hùng lại có thêm nhiều cái mới, thể hiện sự tôn kính Tổ Tiên của con cháu. Như mấy năm gần đây đã hình thành đồi cây, trồng các thứ cây hoa quý hiếm từ mọi miền đất nước. Từ một đồi cây, nên nhân rộng thêm nhiều đồi cây nữa, để không gian Đền Hùng trở thành nơi hội tụ muôn hương ngàn sắc, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh.

Từ kinh nghiệm xây dựng đồi cây Đất Tổ, nên tổ chức bảo tàng, tạm gọi là bảo tàng Lang Liêu, để khuyến khích đồng bào cả nước dâng góp công trình, sản vật từ mọi miền, và cũng là khuyến khích lao động sáng tạo và cống hiến của đồng bào ta.

Vào dịp giỗ Tổ, khuyến khích đồng bào mọi ngành, mọi giới chọn những công trình, sản vật, thể hiện tinh thần lao động cần cù, sáng tạo tiêu biểu mang về Đất Tổ, trước là dâng lên Tổ Tiên, sau nữa là để đồng bào chiêm ngưỡng, học tập. Như thế cũng là cách tiếp nối truyền thống có chọn lọc. Bởi từ hàng ngàn năm trước, Hùng Vương đời thứ 6 đã chọn người truyền ngôi bằng việc khuyến khích con cháu đua tài dâng của ngon vật lạ. Sản phẩm bánh chưng-bánh dầy do Hoàng tử Lang Liêu làm ra có từ đấy.

Chăm lo ngày giỗ Tổ là chăm lo khơi dậy, gắn kết tình dân tộc, nghĩa đồng bào, để cả dân tộc Việt Nam càng đoàn kết, đồng thuận vượt qua những khó khăn trước mắt, hướng tới tương lai dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh... Cũng là dịp để cháu con sửa mình sao cho xứng đáng với Tổ tiên.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên