Niềm tin và kỳ vọng vào lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) -Đây sẽ là thước đo tín nhiệm với những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và dư luận đặc biệt quan tâm trong kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khoá 13 này, là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn - bởi đây là việc làm cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá 11 về Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó chủ yếu là công tác cán bộ. Tuy vấn đề này còn được bàn thảo trên bàn nghị sự, nhưng đã dấy lên niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, vào những người đại diện nhân dân nói lên tiếng nói của nhân dân.

Thực tế của công tác cán bộ lâu nay cho thấy, trong các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ thì khâu đánh giá, kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ bị coi là yếu nhất. Chính vì thế mới có chuyện ở nơi này, nơi khác cán bộ xa dân, không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo đến lợi ích của cá nhân, gia đình, “lợi ích nhóm” mà quên đi trách nhiệm “công bộc của dân”; làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ là cơ sở quan trọng để giúp cơ quan Đảng làm tốt công tác cán bộ.

Nghị quyết Trung ương 4, khoá 11 về Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay đã nêu một trong những giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng là “Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ… Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”.

Lâu  nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ thuộc các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn gần như là điều không tưởng. Bởi, thực tế ở một vài nơi, một vài ngành người dân không có quyền quyết định sinh mạng chính trị của cán bộ, cho dù cán bộ đó có sai phạm. Một khi cán bộ cho mình có quyền quyết định tất cả sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị, bất ổn xã hội. Thế nên, mới có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… sa vào chủ nghĩa ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng…” như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

Khi đặt ra việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước không phải không có những băn khoăn. Băn khoăn vì cho rằng có thể đây là việc làm mang tính hình thức; hoặc người được lấy phiếu sẽ có động thái vận động; hoặc người bỏ phiếu sẽ bị tác động, không dám thể hiện ý chí của mình. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng, Hiến pháp và pháp luật đã quy định, các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đều phải lấy phiếu tín nhiệm.

Nghị quyết Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 6, khoá 11 cũng đề cập nội dung này. Hơn nữa, Quốc hội là nơi tập trung những người đại diện ưu tú của dân, có quyền giám sát tối cao, trong đó việc giám sát những người và tổ chức mà Quốc hội bầu ra, phê chuẩn. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm lại công khai cho toàn dân được biết để có cơ sở thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Vậy nên, hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội sẽ xác định được trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước pháp luật để đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đối với chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện sẽ có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ; loại bỏ được những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, không còn uy tín.

Đồng thời, sẽ là khâu đột phá trong các giải pháp nhằm đánh giá thực chất những “công bộc của dân”; sẽ là thước đo tín nhiệm với những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Và nó cũng sẽ là một cơ hội để những người giữ chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm tự khẳng định mình, hoàn thiện mình, có trách nhiệm hơn với vai trò, trọng trách được giao.

Nếu như Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được thông qua thì việc đánh giá cán bộ, cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, đặc biệt là việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm đã nêu trong Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ được thực hiện nghiêm túc. Đó cũng là niềm tin và kỳ vọng của người dân, của cử tri cả nước vào cơ quan quyền lực cao nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm
Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm

(VOV) - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm hiện nay, gây bất an trong nhân dân.

Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm

Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm

(VOV) - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm hiện nay, gây bất an trong nhân dân.

Dân kỳ vọng “Trách nhiệm” của đại biểu Quốc hội
Dân kỳ vọng “Trách nhiệm” của đại biểu Quốc hội

(VOV) -Chưa bao giờ hai từ “Trách nhiệm” được nhắc đến nhiều như mấy ngày qua khi truyền thông đưa tin về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Dân kỳ vọng “Trách nhiệm” của đại biểu Quốc hội

Dân kỳ vọng “Trách nhiệm” của đại biểu Quốc hội

(VOV) -Chưa bao giờ hai từ “Trách nhiệm” được nhắc đến nhiều như mấy ngày qua khi truyền thông đưa tin về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII