Nối dài truyền thống phụ nữ Việt Nam anh hùng

Phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng của mình. Họ vừa là những người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, vừa có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc.

100 năm sau khi Quốc tế II quyết định lấy ngày 8/3 hàng năm là ngày Quốc tế phụ nữ, nội dung của ngày này được mở rộng thêm bằng những khái niệm mới như “phát triển", "giới", và được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận, đánh giá đầy đủ.

Đối với Việt Nam, quyền bình đẳng, sự tiến bộ, vai trò và vị thế của phụ nữ không những được thực hiện bằng cam kết quốc tế, mà còn và từ trước đó đã được đảm bảo bằng truyền thống dân tộc, bằng sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, và bằng sự nỗ lực vươn lên không ngừng của từng chị em, nối dài truyền thống phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Thực hiện cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... lĩnh vực nào cũng tính đến và đề cao vai trò của phụ nữ.

Cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ, tất cả các cơ quan bộ ngành, đoàn thể xã hội và các cấp chính quyền đều thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Nhờ được tạo điều kiện bình đẳng, tự giải phóng, nhờ nỗ lực không ngừng phấn đấu vươn lên, địa vị và vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Về trình độ, ở Việt Nam hiện nay, cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ. Trong Quốc hội, phụ nữ chiếm hơn 27%, và Việt Nam được đánh giá là nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực công tác, phụ nữ đều khẳng định được vị trí, khả năng đóng góp không thua kém gì nam giới. Ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, và ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của phụ nữ cũng được khẳng định đúng mức, nhất là trong các chương trình mục tiêu lồng ghép như xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, y tế cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hoá...

Kể như vậy nhưng cần thấy rõ rằng, những kết quả đó có được không đơn thuần và không phải chỉ bắt đầu từ việc thực hiện cam kết quốc tế. Ở nước ta, ngày 8/3 là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần có cội nguồn từ truyền thống đó của dân tộc. Nhận rõ điều này, ngay từ khi thành lập năm 1930, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã ghi “nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ phải giải phóng phụ nữ; gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, không thể kể hết những tấm gương phụ nữ anh hùng quả cảm, chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Có những mẹ Việt Nam anh hùng lần lượt tiễn chồng, con, cháu ra mặt trận chiến đấu chống kẻ thù rồi anh dũng hi sinh. Và còn biết bao nhiêu phụ nữ khác một mình nuôi cha mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lao động sản xuất ở hậu phương,...

Truyền thống anh hùng của “đội quân tóc dài” tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới. Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn luôn cố gắng nâng cao trình độ học vấn, kĩ năng nghề nghiệp, rèn luyện sức khoẻ, trau dồi đạo đức, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam được khẳng định ở mọi nơi, mọi lúc. Nhiều phụ nữ nông thôn trở thành nữ công nhân có trình độ, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, và cả trên đồng ruộng được cơ khí hoá, tự động hóa. Nhờ thông tin điện tử, thương mại điện tử, những ngành có đông lao động nữ như nông nghiệp, thủy hải sản, may mặc, dịch vụ...đang từng bước hoà nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế. Trong mọi lĩnh vực hoạt động như chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học kĩ thuật, văn hoá, giáo dục... phụ nữ Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế ngang bằng với đồng nghiệp là nam giới ở trong nước, mà còn giành được thành tựu lớn trong nhiều cuộc thi, cuộc cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu, có tiếng nói được ghi nhận và đánh giá cao trên các diễn đàn quốc tế. Cùng với đó, phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Họ luôn luôn đứng sau những thành công trong sự nghiệp của chồng, sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân để giúp con cái trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống.

Nối dài truyền thống anh hùng, phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng không thể thiếu của mình. Họ vừa là những người anh hùng lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, vừa có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc. Đồng thời, họ là những người con trung hậu, là những người mẹ dịu hiền, người vợ đảm đang, sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của một dân tộc Việt Nam anh hùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên