Nói xấu cô giáo trên Facebook bị đuổi học: Vì đâu nên nỗi?
VOV.VN -Học sinh nói xấu cô giáo trên Facebook bị đuổi học, dư luận cho rằng trong trường hợp này cũng cần phải xem lại cả cô giáo.
Thêm một trường hợp học sinh bị đuổi học vì nói xấu cô giáo trên Facebook. Hình thức kỷ luật này thể hiện sự nghiêm khắc của nhà trường đối với các em học sinh khi sử dụng mạng xã hội.
Thế nhưng với hàng loạt vụ “va chạm”, cách hành xử của giáo viên thời gian gần đây như: cô giáo chửi học sinh “ngu như bò”, cô giáo bọ cạp Lê Na, cô giáo đánh thâm tím mông, đùi học sinh… đã khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi “Không có lửa thì làm sao có khói?”. Qua vụ việc này, rất cần cái nhìn đa chiều từ phía dư luận, nhà trường, thầy cô, học sinh và cả gia đình.
Học sinh bị đuổi học vì vi phạm qui định của Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội). |
Rõ ràng, trò hư thì phải kỷ luật nghiêm khắc và người làm sư phạm phải có phương pháp để uốn nắn những học trò như vậy. Nhưng thực tế, đã có nhiều người thầy, người cô để tình cảm cá nhân chi phối khi giải quyết các mối quan hệ thầy – trò. Điều này dễ dẫn đến việc các em có suy nghĩ tiêu cực về nghề giáo. Bởi thực tế đã có chuyện, một học sinh khi ở lớp cô giáo A là cá biệt nhưng khi chuyển sang lớp của cô B lại là học sinh bình thường, thậm chí có những mặt nổi trội. Nhiều người giờ đã trưởng thành cũng từng chia sẻ, nếu còn học tiếp cô giáo X thì giờ không biết cuộc đời mình sẽ theo hướng nào…
Trở lại với câu chuyện vì sao học sinh lại coi Facebook là nơi để chuyển tải những bức xúc của mình? Nói xấu thầy cô trên Facebook không còn là chuyện hiếm, lạ nữa? Dư luận không có ý bênh vực cho sai phạm của các em nhưng có lẽ phải có “uẩn ức” gì thì học sinh này mới làm như vậy?! Qua đây, nhà trường cũng cần nhìn nhận lại cách tiếp nhận thông tin phản ánh từ học sinh. Nếu thực sự công khai, dân chủ thì chắc chắn các em sẽ góp ý thẳng thắn cho giáo viên, cho nhà trường.
Thế nhưng, thực tế đã có chuyện, cha mẹ nêu ý kiến thì ngay lập tức bị “bêu” tên trước toàn trường và các em phải sống trong cảnh bị giáo viên trù dập. Trong trường hợp này, có thể khi “bức bối” quá các em chỉ còn biết “đổ vào Facebook”. Học sinh thì có em ngoan, em hư, em ngỗ nghịch… nhưng là người thầy thì phải có chuẩn mực.
Sau hàng loạt những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong mối quan hệ thầy trò được đưa lên Facebook như một cách để giải tỏa bức xúc, có thể thấy việc giáo dục kỹ năng, chia sẻ tâm lý với trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế, khi có một hành động hoặc một lời nói của thầy cô gây phật ý cũng khiến các em cảm thấy mình tổn thương và phản ứng thái quá. Sẵn có điện thoại thông minh trong tay, các em quay phim, chụp hình tung lên mạng xã hội.
Còn về phía phụ huynh học sinh, rõ ràng cũng phải có trách nhiệm. Hàng ngày, ngoài việc gửi gắm con cho nhà trường họ còn có trách nhiệm hỏi han, chia sẻ những gì con gặp phải ở trường để cùng tìm cách tháo gỡ. Đằng này, nhiều phụ huynh phó mặc hoàn toàn việc dạy con cho nhà trường, đến khi có sự việc gì xảy ra họ mới tá hỏa là con không ngoan như mình tưởng!? Chưa kể, nhiều phụ huynh còn tỏ ra không tôn trọng giáo viên, gọi thầy cô bằng những từ khó nghe. Bản thân cha mẹ các em đã như vậy thì làm sao các em “tôn sư, trọng đạo” được.
Còn về phía nhà trường, trong một số trường hợp, có thể nhà trường đã tỏ ra quá bênh vực học sinh khiến các em ỷ thế làm bậy, hỗn láo với thầy cô.
Hiện nay, đã có nhiều trường phổ thông đặt ra qui định đối với học sinh khi sử dụng Facebook, hướng dẫn các em cách sử dụng mạng xã hội an toàn, trong đó có việc cấm nói xấu cha mẹ, thầy cô, bạn bè trên Facebook. Đây là việc làm cần thiết để không chỉ các em mà cả thầy cô, các bậc cha mẹ có thái độ ứng xử đúng mực khi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, để không xảy ra những chuyện đáng tiếc như thời gian qua, thì rất cần cách cư xử có chuẩn mực trong môi trường sư phạm từ cả phía người thầy và học sinh./.