Nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Sau dầu thải sẽ là gì nữa?
VOV.VN -Sự vào cuộc thận trọng nhưng chậm chạp của chính quyền Hà Nội, quy trình sản xuất nước sạch lỏng lẻo, nguồn nước dễ dàng bị "xâm hại” khiến người dân lo lắng.
Gần 1 tuần qua, hàng vạn người dân Thủ đô phải sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng khi phải dùng nguồn nước không đảm bảo, đục ngầu và có mùi khét. Điều đáng buồn là sự việc do người dân phát hiện, kêu cứu nhưng sau nhiều ngày vẫn không có động thái nào từ công ty cung cấp nước sạch và những cơ quan có liên quan của Hà Nội.
Nhiều gia đình có điều kiện đã tự cứu mình bằng cách sơ tán ra khỏi những quận dùng đường ống có nước nhiễm bẩn, hoặc mua nước sạch, nước đóng chai về dùng, còn những nhà không có điều kiện thì vẫn phải phó mặc vào sự may rủi.
Gần 1 tuần sau khi người dân phát hiện sự cố nước có mùi thì mãi đến chiều 12/10, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà mới có động thái đi kiểm tra, lấy mẫu về để xét nghiệm. Và dự kiến là sau 1 tuần từ khi lấy mẫu đi xét nghiệm thì mới có kết quả. Như vậy có nghĩa, người dân vẫn phải tự xoay sở để tự tìm cách bảo vệ mình và người thân đến khi có kết quả xét nghiệm và sau khi nước sự cố nước có mùi được xử lý.
Quy trình sản xuất nước sạch lỏng lẻo, nguồn nước dễ dàng bị "xâm hại” khiến người dân lo lắng: Sau dầu thải sẽ là gì? |
Từ sự cố nước có mùi và mới đây là ô nhiễm môi trường do cháy nhà máy Rạng Đông, cũng như tình trạng ô nhiễm không khí gần đây ở Hà Nội, cho thấy một sự thật đáng buồn, bất an là những vụ việc này đều do người dân phát hiện, kiến nghị lên cơ quan chức năng; đồng thời họ phải tự xoay sở tìm cách cứu lấy mình mà không có sự cảnh báo ngay từ đầu của TP Hà Nội và các cơ quan liên quan.
Thậm chí, đến khi người dân có kiến nghị thì phải rất lâu sau, thì mới thấy sự vào cuộc “lác đác” của các cơ quan liên quan. Và việc vào cuộc, xử lý thận trọng nhưng chậm chạp của chính quyền Hà Nội và các cơ quan liên quan khiến người dân cảm thấy lo lắng, bức xúc.
Không lo lắng sao được, khi hàng ngày, hàng giờ người dân bắt buộc phải ăn, phải thở để tồn tại với những thứ mà không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình, thậm chí có thể biết là rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.
Ngày hôm qua, tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ đã đưa ra nguyên nhân ban đầu của sự cố nước ở Hà Nội bốc mùi là do việc đổ trộm hàng tấn dầu thải vào con suối dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình).
Con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị nhiễm bẩn do dầu thải đổ vào đầu nguồn. (ảnh: VTCNews) |
Điều này lại càng làm người dân bất an lo lắng hơn là khi việc đổ chất thải vào nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người, thậm chí hàng triệu người dân Hà Nội lại có thể dễ dàng được thực hiện như thế thì liệu sau chất thải dầu thì sẽ là chất gì, sẽ kiểm soát như thế nào? Khi đó hậu quả sẽ nghiêm trọng đến thế nào, và cũng không thể coi thường nguy cơ tính mạng hàng vạn, hàng triệu người có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Qua sự cố này, cũng bộc lộ ra quy trình sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng triệu người dân Hà Nội và các địa phương khác còn rất lỏng lẻo, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào.
Xã hội ngày càng phát triển, thông tin ngày càng phải công khai, minh bạch. Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nhấn mạnh rằng, xã hội chỉ phát triển khi mọi thông tin phải được minh bạch, rõ ràng.
Đã đến lúc, không thể để người dân phải sống trong sự lo lắng, bất an, khi mà họ vẫn phải trả tiền để mua nước sạch, để được sống cuộc sống tốt hơn thì lại vẫn phải phó mặc sức khỏe, tính mạng của mình vào sự “may rủi” không được báo trước.
Cũng đến lúc, người dân rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Hà Nội và các cơ quan liên quan, phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ để đây là những nơi đầu tiên phát hiện ra sự cố, lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí hỗ trợ người dân khi cần thiết, chứ không phải là “quy trình ngược” như hiện nay.
Người dân cũng cần có sự quan tâm chặt chẽ về quy trình xử lý, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, để không còn xảy ra chuyện ai thích đổ gì, thích làm gì vào nguồn nước thì làm. Đồng thời, xử lý nghiêm và kịp thời những cá nhân, tổ chức vi phạm việc xử lý nước thải cũng như cung cấp nước bẩn, độc hại cho dân.
Chỉ có như vậy, việc hướng tới một Thủ đô văn minh, người dân có cuộc sống hạnh phúc mới có thể trở thành hiện thực./.
Sao biết “nước sạch” đã bẩn mà nỡ bán cho dân?