Suy nghĩ từ vụ Đoàn Văn Vươn
(VOV) -Người có công, kẻ có tội đều được phân định rạch ròi.
Việc tổ chức xét xử hai vụ án kế tiếp nhau, chứng tỏ mối quan hệ giữa hành vi của những bị cáo trong vụ án: Từ việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của chính quyền địa phương đến hành vi chống đối mang tính manh động của người sử dụng đất.
Hai phiên tòa đã khép lại với 11 bị cáo bị tuyên phạt bằng nhiều mức án khác nhau. Dẫu chưa thể làm hài lòng tất cả và còn có ý kiến khác nhau nhưng hai bản án được tuyên sau quá trình xét xử công khai, dân chủ, vận dụng tất cả những tình tiết có thể làm lợi cho các bị cáo và người bị hại, đã đảm bảo tính nghiêm minh, vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật. Công, tội, các tình tiết giảm nhẹ đã được phân định rạch ròi. Ai vi phạm pháp luật đều bị nghiêm trị.
Từ trái qua, các bị cáo: Liêm, Hoa, Khanh, Hoan, Hiền tại tòa (Ảnh:TTXVN) |
Tuy nhiên, điều dư luận day dứt là giá như những người trong cuộc biết dừng lại đúng lúc, hành động có chừng mực trên tinh thần tôn trọng pháp luật thì vụ án cưỡng chế thu hồi đất nhiều tai tiếng ở Tiên Lãng đã không xảy ra.
Hoặc nếu như những cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang gần dân hơn, hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của dân, biết vận dụng những điều pháp luật cho phép để làm lợi cho dân, hẳn sẽ không thể xảy ra cuộc cưỡng chế mà cái mất lại nhiều hơn cái được.
6 nông dân chân đất, 5 cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý, vụ án Tiên Lãng không chỉ là nỗi đau ở chốn làng quê, mà còn là bài học sâu sắc về công tác quản lý, sử dụng đất đai mà lâu nay vốn được xem là còn quá nhiều bất cập.
Cần nhớ rằng, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, nhưng chính quyền và cơ quan quản lý chỉ được làm những gì mà pháp luật qui định. Bởi vậy, pháp luật phải cụ thể và khả thi để soi rọi đến tận cùng ngõ ngách của cuộc sống để từ đó mọi công dân đều phát huy được trách nhiệm của mình, sống và làm việc theo pháp luật./.