Tắc đường ngày Tết: Lỗi tại dân hay nhà quản lý?
VOV.VN - Khi giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chắc chắn họ sẽ phải tìm cách tự giải quyết cho mình.
Những ngày sát Tết nguyên đán, tình hình tàu xe tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Ngay trong ngày hôm qua (23/1), trong buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đặc biệt thúc giục giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Câu chuyện được người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhắc đến ở TP HCM là vấn đề xây nhà chung cư cao tầng trong nội đô. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”.
Hai trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước đều chung tình trạng ùn tắc giao thông và xuất phát từ một căn nguyên: Quy hoạch đô thị không đồng bộ. Khó khăn được các lãnh đạo của những thành phố này đưa ra là do phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng nên mới xảy ra ùn tắc.
Trong dịp nghỉ Tết, lượng hành khách có thể gấp 1,5 đến 2 lần ngày thường. |
Xây chung cư cao tầng trên các khu đất vàng, thực tế này đang xảy ra tràn lan tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Việc làm này, mang lại lợi ích vô cùng lớn cho các ông chủ đầu tư đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu, túi tiền của giới thượng lưu. Nhưng hậu quả thì toàn xã hội, những người thu nhập trung bình và thấp phải gánh chịu. Tắc đường họ phải chịu khói bụi chứ đâu có xe hơi để ngồi tránh nắng, tránh mưa.
Bất cập trong qui hoạch đô thị Hà Nội, TP HCM ai cũng đã nhìn thấy, vấn đề là cần một sự quyết tâm, sự hy sinh lợi ích của một nhóm nào đó thì mới mong giải quyết xong bài toán mà lâu nay chúng ta vẫn loay hoay làm.
Những ngày giáp Tết, người Hà Nội đón buýt nhanh – một phương tiện hiện đại được cho là mang đến hy vọng giảm ùn tắc đường. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự đồng thuận với cách làm. Bởi, tạo một con đường cho buýt nhanh chạy lại chồng lấn, ảnh hưởng tới hàng nghìn phương tiện khác. Rào chắn đường cho buýt nhanh chạy nhưng vẫn bị người tham gia giao thông lấn làn. Nhiều người cho rằng, ý thức người tham gia giao thông kém, nhưng cũng phải nhìn lại xem hạ tầng và các điều kiện giao thông khác đã thực sự tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành tốt luật lệ và cư xử có văn hóa hay chưa?
Cái vòng luẩn quẩn do chính chúng ta tạo ra đang “bó chân” rất nhiều phương án giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM. Nếu chúng ta cứ áp mãi lối tư duy di dời được nhà máy, trường học, công sở nào ra ngoại thành lại giành đất để xây chung cư thì muôn đời bài toán tắc đường sẽ không có lời giải./.
Việt Nam trong tuần: “Nghẹt thở” vì tắc đường ngày cận Tết
Đại sứ Vũ Quang Minh hiến kế 6 giải pháp chống tắc đường cho Hà Nội