Thắp sáng đạo học nước nhà

Các em học sinh đang kỳ vọng vào mỗi thầy giáo, cô giáo đem hết trí tuệ, tâm huyết, luôn là những tấm gương mẫu mực để các em noi theo.  

Với người Việt Nam, “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của một dân tộc hiếu học, tôn trọng đạo học và đề cao người dạy học. Ngày 20/11 hằng năm là ngày để cả xã hội thể hiện lòng tri ân với thầy cô giáo- những người đang lặng thầm đem nhiệt huyết, lòng  yêu nghề mến trẻ thắp sáng con đường tri thức dẫn dắt thế hệ trẻ đi đến tương lai.

Từ thời phong kiến, thầy giáo được xếp thứ nhì trong quan hệ “Quân – Sư – Phụ”. Đứng sau Vua – người trị vì đất nước và trước Cha: đấng sinh thành, người xưa muốn nhấn mạnh đến giá trị của sự dạy dỗ và đắp bồi tri thức làm người. Hay nói khác hơn là nhấn mạnh đến con người trong quan hệ xã hội nhiều hơn là con người của gia đình. Vì vậy, người thầy luôn giữ vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không Thầy đố mày làm nên”. Lịch sử luôn tôn vinh những người thầy mà tài năng và đức độ đã làm rạng danh đất nước, dân tộc.

Không những nắm vững đạo lý, người làm thầy còn có sứ mệnh cao cả là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho học trò của mình, giúp các em trở thành người có học vấn, nhân cách tốt đẹp, có chí hướng, năng lực giúp ích cho đời. 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người thầy: Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

 Nhà giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Sự vinh danh ấy đã đặt ra một yêu cầu khắt khe về chuyên môn và nhân cách, đòi hỏi hàng triệu thầy cô giáo không quản khó khăn, mang hết tâm huyết, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Với ý nghĩa ấy, tôn vinh nhà giáo đã trở thành đạo lý, tình cảm của mỗi người. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để học sinh, phụ huynh và những ai quan tâm đến giáo dục thể hiện tình cảm, sự trân trọng, biết ơn đối với thầy giáo cô giáo và hiểu hơn truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc mà chung tay vun trồng cho đạo học. 

Những thành tựu mà giáo dục nước ta đã đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của bao thế hệ nhà giáo. Trên đà công nghiệp hóa- hiện đại hóa, đất nước đang đặt ra một yêu cầu hết sức cấp thiết cho ngành giáo dục là phải mạnh dạn đổi mới, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự phát triển của quốc gia. Một triệu giáo viên, giảng viên của cả nước sẽ làm gì để mãi là tấm gương sáng về đức hy sinh, tinh thần cống hiến, trách nhiệm với người học để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng của nền giáo dục nước nhà.

Xã hội ngày nay đang có nhiều thay đổi, những giá trị truyền thống có nguy cơ mai một nếu mỗi người trong chúng ta thiếu trân trọng giữ gìn. Những câu chuyện chưa vui trong môi trường giáo dục đâu đó cũng có thể để lại ấn tượng chưa đẹp, là một vết đen không chỉ đối với các thầy cô giáo của ngành giáo dục mà còn đối với cả xã hội, đất nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Trước mắt thầy cô là học trò, các em vẫn đang kỳ vọng vào mỗi thầy giáo, cô giáo – “những người anh hùng vô danh” đem hết trí tuệ, tâm huyết truyền thụ kiến thức cho mình, luôn là những tấm gương mẫu mực để các em noi theo.

Cuộc sống cũng đặt ra cho người học và những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người yêu cầu thay đổi tư duy, thích ứng với một nền giáo dục thực chất, đoạn tuyệt với bệnh thành tích, dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục và nhà giáo, để mỗi hành động của chúng ta là những bó hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp nhất góp phần cùng các thầy, các cô thắp sáng lên ngọn lửa của đạo học nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên