Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?

VOV.VN -Hiện còn những quan niệm rất khác nhau về chế định minh bạch, công khai tài sản nên khó nhận biết và thu hồi tài sản tham nhũng.

Mặc dù thời gian gần đây, việc kê khai tài sản, công khai tài sản của những người làm công tác quản lý, lãnh đạo đã được thực hiện, nhưng dường như dư luận vẫn không thể hết nghi vấn, đặt nhiều câu hỏi trước thực tế tài sản quan chức thì kếch xù nhưng tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng lại chiếm tỷ lệ quá nhỏ, chưa đến 10%.

Lý giải cho câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, một khi quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thống nhất; một khi việc kê khai, công khai tài sản của những người có chức, có quyền, có “nguy cơ” tham nhũng còn mập mờ thì tài sản do tham nhũng vẫn không thể thu hồi.

Từ trước đến nay, có sự khẳng định rằng, nếu tính giá trị thực thì chỉ thu được từ 2% đến 3% tài sản tham nhũng, và 10% vẫn là một con số đầy lạc quan. Dư luận không “sốc” trước thông tin này. Bởi đây là một thực tế mà dường như ai cũng biết trong nhiều năm qua. Nhưng họ không thể hiểu và bức xúc đặt nhiều câu hỏi “tại sao”?

Hiện còn những quan niệm rất khác nhau về chế định minh bạch, công khai tài sản của những người làm công tác quản lý, lãnh đạo (ảnh: Dân trí)

Tại sao khi điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan pháp luật đã xác định được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây nên, đã xác định được khối tài sản của các tội phạm do tham nhũng mà có nhưng không thu hồi được? Tại sao không kiểm soát ngay khi có hiện tượng làm giàu bất chính của quan chức? Tại sao còn để tình trạng chịu trách nhiệm tập thể thay vì trách nhiệm cá nhân? Tại sao chỉ xác định tài sản của những người phạm tội tham nhũng mà không truy cứu trách nhiệm liên quan người thân của họ?

Rất nhiều câu hỏi “tại sao” đã và đang được dư luận quan tâm, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cơ quan pháp luật cần có câu trả lời thỏa đáng. Bởi chính những câu hỏi đó đã cho thấy kẽ hở, khoảng trống của cơ chế, quy định pháp luật, đội ngũ những người thực thi để những kẻ tham nhũng lợi dụng, bòn rút tiền của của Nhà nước, của nhân dân, nhét đầy túi tham.

Việc thu hồi, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tham nhũng để trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước cũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, trong Luật Hình sự hiện hành. Nhưng xác định đâu là tài sản và tiền có nguồn gốc hợp pháp, đâu là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng mà có lại là vấn đề không đơn giản. Bởi trước khi hành vi tham nhũng bị phát hiện thì tài sản có được do tham nhũng đã chuyển hóa thành nhiều dạng, nhiều nơi khác nhau. Và lúc đó, dù cơ quan pháp luật xác định được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, dù ra quyết định buộc tội phạm tham nhũng có trách nhiệm phải thi hành, nhưng trách nhiệm dân sự ấy ít khi được thi hành, hoặc có cũng không đầy đủ.

Một trong những biện pháp được coi là hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng là thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản của quan chức, đặc biệt là của những người quản lý, lãnh đạo trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Nghị quyết của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức và Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Thế nhưng, tiếc rằng cho đến nay, các cơ quan chức năng hầu như vẫn chưa phát hiện được người nào có hành vi tham nhũng thông qua việc kê khai, công khai tài sản. Thậm chí, khi việc kê khai, công khai tài sản được tiến hành, người dân thắc mắc vì sao quan chức này, quan chức kia lắm tiền, nhiều tài sản thế, lại nhận được câu trả lời rằng, tài sản đã công khai nghĩa là không có điều gì khuất tất, còn nguồn gốc tài sản do nhiều người trong gia đình cùng làm ra. Và cần phải tôn trọng quyền riêng tư của các cá nhân đã được pháp luật bảo vệ?

Thực tế đó nói lên điều gì? Điều đó cho thấy vẫn còn những quan niệm rất khác nhau về chế định minh bạch, công khai tài sản. Nó cho thấy dường như pháp luật còn nương nhẹ đối với loại tội phạm này. Nó cho thấy, không công khai tài sản, khi phát hiện hành vi tham nhũng, mặc dù biết nhưng không thể có căn cứ để thu hồi. Vậy nên mới có con số chỉ khoảng 2% đến 3% tài sản tham nhũng thu hồi được.

Mỗi một đồng thiệt hại do tham nhũng gây ra là biết bao mồ hôi, công sức của người dân. Vì thế, hoàn thiện quy định của pháp luật; tăng cường sự giám sát của đoàn thể, của người dân; thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản của quan chức là những việc cần làm ngay để trả lại tài sản hợp pháp cho người dân, cho Nhà nước; để ngăn chặn và kiên quyết xử lý những hành vi coi thường kỷ cương phép nước, coi thường tài sản và sức lao động chân chính của nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tham nhũng vặt tràn lan: Có phải người Việt thích “lót tay”
Tham nhũng vặt tràn lan: Có phải người Việt thích “lót tay”

VOV.VN - Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, hầu hết người dân đều cho rằng họ buộc phải làm như vậy.

Tham nhũng vặt tràn lan: Có phải người Việt thích “lót tay”

Tham nhũng vặt tràn lan: Có phải người Việt thích “lót tay”

VOV.VN - Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, hầu hết người dân đều cho rằng họ buộc phải làm như vậy.

Xây dựng cơ chế kiểm soát tham nhũng trong hệ thống tư pháp
Xây dựng cơ chế kiểm soát tham nhũng trong hệ thống tư pháp

VOV.VN -Các đại biểu cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và đồng bộ để đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Xây dựng cơ chế kiểm soát tham nhũng trong hệ thống tư pháp

Xây dựng cơ chế kiểm soát tham nhũng trong hệ thống tư pháp

VOV.VN -Các đại biểu cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và đồng bộ để đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Hoàn thiện cơ chế để không thể tham nhũng
Hoàn thiện cơ chế để không thể tham nhũng

VOV.VN-Khi vẫn còn cơ chế không phù hợp, việc giám sát chưa được siết chặt thì tham nhũng, tiêu cực vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết.

Hoàn thiện cơ chế để không thể tham nhũng

Hoàn thiện cơ chế để không thể tham nhũng

VOV.VN-Khi vẫn còn cơ chế không phù hợp, việc giám sát chưa được siết chặt thì tham nhũng, tiêu cực vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết.

Trường học lúng túng trong giảng dạy phòng chống tham nhũng
Trường học lúng túng trong giảng dạy phòng chống tham nhũng

VOV.VN -Nhiều giáo viên lo ngại chưa hiểu kỹ về pháp luật cũng như lúng túng khi chọn ví dụ minh họa.

Trường học lúng túng trong giảng dạy phòng chống tham nhũng

Trường học lúng túng trong giảng dạy phòng chống tham nhũng

VOV.VN -Nhiều giáo viên lo ngại chưa hiểu kỹ về pháp luật cũng như lúng túng khi chọn ví dụ minh họa.

Khen thưởng người tố cáo tham nhũng: Đừng khen chiếu lệ!
Khen thưởng người tố cáo tham nhũng: Đừng khen chiếu lệ!

VOV.VN - Việc khen thưởng còn mang tính chiếu lệ, hình thức, gây bức xúc cho dư luận, nản lòng người tố cáo tham nhũng.

Khen thưởng người tố cáo tham nhũng: Đừng khen chiếu lệ!

Khen thưởng người tố cáo tham nhũng: Đừng khen chiếu lệ!

VOV.VN - Việc khen thưởng còn mang tính chiếu lệ, hình thức, gây bức xúc cho dư luận, nản lòng người tố cáo tham nhũng.