Tổ quốc gọi tên lớp trẻ tiên phong
VOV.VN - Đất nước có phát triển nhanh và mạnh trong quá trình toàn cầu hóa được hay không đang phụ thuộc vào trí tuệ và sinh khí của người trẻ.
Nước ta có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Đây là lực lượng trẻ, có tri thức trong xã hội, là tương lai của đất nước, là tầng lớp tiên phong trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với nhân dân, với Tổ quốc.
Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và sức mạnh to lớn của học sinh, sinh viên thể hiện ở chính sự kiện được lấy làm ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động hơn 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia biểu tình đòi mở lại trường học, đảm bảo an ninh và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man, nhưng tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn và các học sinh, sinh viên ngày ấy vẫn còn soi sáng đến các thế hệ thanh niên, học sinh hôm nay.
Với mỗi người Việt Nam, tình yêu với quê hương, đất nước được trao truyền qua những ru của bà, của mẹ từ thuở còn nằm trong nôi. Qua năm tháng, tình yêu với Tổ quốc càng được bồi đắp và lớn lên mãi, trở thành nhiệt huyết trong huyết quản mỗi người.
Nhằm cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2014-2019) diễn ra vào cuối tháng 12/2014 cũng đã phát động phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Các thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam với sức trẻ, sự hiểu biết và tinh thần vượt khó... luôn luôn là lực lượng xung kích đến những nơi khó khăn, gian khổ, hy sinh, góp sức mình cho Tổ quốc. Vấn đề giáo dục đạo đức, lí tưởng sống cho thanh niên phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cần được cổ vũ trong giới trẻ, để tất cả những người trẻ đều có ý chí quyết tâm không chịu để rơi vào cảnh phụ thuộc, nô lệ dưới bất kỳ hình thức nào, lĩnh vực nào.
Trong thế giới phẳng, những lợi thế về công nghệ thông tin đang đem lại những cơ hội to lớn cho những người trẻ ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn không ít sinh viên không tận dụng được những cơ hội ấy. Căn bệnh phổ biến cần khắc phục của nhiều sinh viên hiện nay là lãng phí thời gian. Hệ quả là người trẻ tỏ ra cái gì cũng "biết tuốt", nhưng lại không biết điều gì cho cặn kẽ, sâu sắc.
Thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, mỗi người trẻ, nhất là sinh viên, cần phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện, đổi mới cách nghĩ, cách nhìn nhận về cuộc sống, nắm bắt các tri thức và khoa học - công nghệ hiện đại, từ đó tận dụng các cơ hội để phát huy tài năng.
Để phát huy sức mạnh của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên ở nước ta, rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Giáo dục- Đào tạo đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là "Quốc sách hàng đầu" và triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục đại học cần được chú trọng nhiều hơn. Trên nền giáo dục quảng đại cho đông đảo thanh niên, cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo người tài: tạo cho họ những điều kiện tốt nhất để học tập, rèn luyện; cung cấp những giáo viên giỏi, chương trình học tập đặc biệt và khi ra trường được bố trí vào làm việc ở những nơi có điều kiện thử thách tốt nhất để phát huy tài năng.
Đất nước có phát triển nhanh và mạnh trong quá trình toàn cầu hóa được hay không đang phụ thuộc vào trí tuệ và sinh khí của người trẻ. Có một câu hát được nhiều thế hệ thanh niên yêu mến "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?". Nếu mỗi người trẻ luôn luôn thường trực trong tâm trí mình câu hát ấy, thì từ mỗi việc làm dù nhỏ nhất đều thấm đẫm tình yêu với Tổ quốc.
Tổ quốc đang gọi tên và trông đợi ở sự nỗ lực của từng người trẻ./.