TP HCM vượt mọi khó khăn, tiến về phía trước
VOV.VN - Thành phố phương Nam đầu tàu về kinh tế và năng động nhất nước, sau gần 44 năm giải phóng đang vươn mình trỗi dậy.
Tại thành phố mang tên Người, gần cả chục triệu dân vừa đón một cái Tết an bình, đoàn viên và tràn đầy niềm hy vọng; với một thông điệp đầu Xuân Kỷ Hợi là cùng nhau vượt khó để tiến về phía trước, làm cho “Hòn ngọc viễn Đông” tỏa sáng muôn nơi.
Nhìn lại năm Mậu Tuất 2018 vừa qua, con đường đi tới của TP HCM khá trắc trở, gập gềnh. Kinh tế- xã hội; an ninh-trật tự đều khó khăn, thuận lợi đan xen. Hậu quả về quản lý đất đai ở Thủ Thiêm và những sai phạm của nhiều vị quan chức chính quyền qua các thời kỳ làm cho lòng dân xáo động. Trong khi, việc giải quyết nạn kẹt xe chưa có lối ra; nhiều dự án hạ tầng xã hội vốn đầu tư nhỏ giọt thì việc chống ngập triều, xây dựng đường hầm, đường sắt trên cao và nhiều dự án giao thông lớn khác lại bị ách tắc…
Thế nhưng, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cùng với sự chung tay giải quyết nhạy bén những phức tạp phát sinh; năm 2018, TP HCM đã thực hiện hoàn thành và vượt mức 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Thành phố mang tên Bác vẫn giữ vững và phát huy được đà tăng trưởng và là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng năm 2017; tỷ trọng quy mô kinh tế trên địa bàn thành phố so với quy mô kinh tế cả nước đạt mức 23,97%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tổng thu ngân sách đạt 378.543 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng thu ngân sách cả nước; tổng đầu tư xã hội ước đạt 35%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,39 tỷ USD. Năm 2018 cũng là năm TP HCM đạt lượng khách du lịch quốc tế cao nhất từ trước đến nay, với 7,5 triệu lượt người…
Sau một năm Quốc hội ra Nghị quyết 54 về Cơ chế đặc thù cho TPHCM , hàng loạt kế hoạch, chương trình hành động đã được xây dựng và triển khai từ cấp thành phố đến cơ sở. Bằng 21 nội dung và đề án cụ thể, thành phố đã thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và thu hút chuyên gia.
Việc thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha, với 35 dự án có diện tích hơn 3.870 ha được thúc đẩy nhanh hơn về tiến độ. TP HCM cũng đã phân cấp, ủy quyền 85 đầu việc cho các sở- ngành và chính quyền quận - huyện trên các lĩnh vực đô thị, môi trường; kinh tế, ngân sách, dự án…
Đồng thời, đã xúc tiến mạnh mẽ nhiều dự án, chương trình trọng điểm mang tầm cỡ quốc tế; trong đó việc chuẩn bị các bước để đi tới hành trình thành phố thông minh đang được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Điều này đang tạo thêm động lực và niềm tin cho thành phố mang tên Người vươn lên tầm cao mới.
Năm 2019, TP HCM đang triển khai hàng loạt kế hoạch, chương trình, dự án trước mắt và lâu dài; đồng thời tiếp tục theo đuổi các quyết sách, các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn mang tầm chiến lược. Trong đó, có nhiều chương trình, dự án mang tính đột phá, đòi hỏi cần có sự đồng sức, đồng lòng không chỉ là của cán bộ, đảng viên và bộ máy chính quyền mà cả của người dân và doanh nghiệp.
Với chủ đề của năm 2019 là “Năm đột phá cải cách hành chính”; TP HCM không chỉ đang thúc đẩy quyết liệt việc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và coi đó làm thước đo để đánh giá sự hài lòng của người dân; mà cùng triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo cơ chế đặc thù ngay từ những ngày đầu, tháng đầu để khơi nguồn khát vọng làm giàu và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tăng tốc.
Năm 2019, TP HCM đặt ra 7 Chương trình đột phá; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo; mà bước khởi đầu cho hoạt động này là một cuộc phát động tìm kiếm tài năng tham gia Giải thưởng Sáng tạo lần thứ nhất. Đây là giải thưởng được tổ chức 2 năm/lần nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có các giải pháp, công trình sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đề xuất cho TPHCM những giải pháp khả thi cao ứng dụng vào thực tế, tạo ra những thành quả mới cho sự tăng trưởng bền vững, sớm đưa thành phố trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam nằm ven sông Sài Gòn được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018 trông từ xa như một quả tên lửa trước khi rời bệ phóng. Xung quanh đó và nhiều nơi khác ở TP HCM; hàng trăm tòa nhà và các khu chung cư cao tầng cũng đua nhau mọc lên nhanh chóng. Rồi, việc hoàn thành trước thời hạn 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020, với tiêu chí thu nhập cao gấp 1,95 lần chuẩn nghèo quốc gia cũng giúp cho TP mang tên Người thêm một điểm cộng.
Thế nhưng, không phải điều gì ở đây cũng xuôi gió, thuận buồm. Một loạt quan chức bị khởi tố do sai phạm về quản lý đất đai vừa qua là tín hiệu tốt trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhưng hệ lụy của nó không phải khắc phục ngay được một sớm một chiều. Tuyến tàu điện METRO số 1 trên cao từ Bến Thành ở trung tâm quận 1 nối liền khu vực Suối Tiên, sau 13 năm xây dựng, những tưởng lo đủ vốn là xong. Nhưng đến giờ vẫn như một con trăn khổng lồ nằm phơi mưa nắng. Siêu dự án chống ngập triều với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng đình trệ vẫn chưa được tái khởi động. Trong khi đó, các cá nhân, tổ chức phản động và thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại; gây hiềm khích và thù hận vẫn có thể kích động người dân để hình thành điểm nóng bất ngờ….
Thuận lợi lớn, nhưng thách thức cũng nhiều. Chính vì vậy, bước sang năm Kỷ Hợi 2019, các cấp đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội ở TP HCM cần tiếp tục cùng chung vai gánh vác và phối hợp, đồng hành để tiến về phía trước. Có như vậy, mới thực hiện được hoàn hành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra. Và vẫn giữ được hình ảnh thành phố mang tên Bác luôn năng động, đầu tàu, thân thiện và gần gũi hơn với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./
Nghĩ về Tết Kỷ Hợi: "Khải hoàn ta viết tiếp bài ca"