Từ Chỉ thị của Thủ tướng, niềm tin thi hành án dân sự sẽ nghiêm túc

VOV.VN - Chỉ thị của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác thi hành án dân sự là thông điệp tích cực thúc đẩy cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự. Đây là một chỉ chị thật sự hợp lòng dân bởi nó thúc đẩy việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh buộc mọi người sống và làm việc theo pháp luật thực sự chứ không phải hô khẩu hiệu như trước đây.

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng đã một thời gian dài ở nước ta luật chưa thực sự đi vào cuộc sống nhất là Luật Thi hành án dân sự, luật có cả hệ thống tổ chức thi hành án dân sự gồm các Cơ quan Thi hành án dân sự:

-         Cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp

-         Cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng

-         Cơ quan quản lý Thi hành án dân sự

-         Cơ quan quản lý Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

-         Cơ quan quản lý Thi hành án dân sự cấp quận, huyện.

-         Cơ quan quản lý Thi hành án quân khu và tương đương.

Cả một bộ máy Thi hành án dân sự quy mô như vậy nhưng thực tế thi hành án dân sự chẳng làm được bao nhiêu khiến người dân thiếu sự tin tưởng vào luật pháp.

Mặc dù các bộ luật được xây dựng rất nhiều, kỳ họp Quốc hội nào cũng có những đạo luật được thông qua, năm nào cũng có những văn bản quy phạm pháp luật như thông tư, nghị định được ban hành nhưng do kỹ năng làm luật, kỹ năng xây dựng văn bản QPPL còn yếu kém nên có nhiều luật, Nghị định, Thông tư không đi vào cuộc sống, có luật cũng như không, đơn cử như Luật phá sản, Luật các công cụ chuyển nhượng, Luật an toàn thực phẩm, Luật thi hành án dân sự, Luật thanh tra…  văn bản dưới luật thì có Thông tư quy định ngực lép không được đi xe máy, mỗi người ở thành phố lớn chỉ được đứng tên một xe máy…  dạng quy phạm này thiếu khả thi thậm chí còn bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”.

Một xã hội văn minh là một xã hội mà quyền con người được đề cao trong đó có quyền tự do, dân chủ, muốn có được những thứ đó thì phải xây dựng Nhà nước pháp quyền mà quyền con người, quyền dân sự trong xã hội dân sự được bảo vệ bằng pháp luật và đảm bảo thi hành có như vậy mới bảo vệ được quyền dân sự trong xã hội dân sự bình đẳng và bác ái.

Muốn có được xã hội dân sự thì công tác xây dựng luật và thi hành luật cần phải thực sự cải cách, cải cách nhanh hơn cải cách tư pháp đang làm nhất là công tác thi hành án dân sự.

Tôi còn nhớ vào những năm 2004 nhiều cán bộ thi hành án các tỉnh phía nam đồng loạt có đơn xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác khác vì không thể làm cán bộ thi hành án được. Vì khi có quyết định thi hành án cán bộ thi hành án không thể tự mình thi hành án được do vấp phải sự chống đối quyết liệt của người bị thi hành án. Mà phương pháp chống đối rất đa dạng: người hiểu luật một chút thì lách luật bằng cách tẩu tán tài sản trước khi có bản án sơ thẩm, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thì bản thân người bị thi hành án không còn tài sản để thi hành lúc đó bản án có hiệu lực pháp luật cũng trở thành “tuyên để mà tuyên”. Người không hiểu biết thì cản trở bằng cách dùng sức mạnh của nhiều người trong gia đình hoặc thuê côn đồ thậm chí có người còn thuê cả thương binh cản trở không cho cán bộ thi hành án làm nhiệm vụ và còn có cả một số cán bộ thi hành án biến chất “vẽ đường cho hươu chạy”…

Thi thoảng thi hành án được một vụ án điểm thì phải phối hợp với rất nhiều các cơ quan hữu quan khác như UBND các cấp, Công an, dân phố… rất tốn kém mới cưỡng chế được. Những khó khăn này thể hiện sự nhờn luật đã lâu bởi công tác thi hành án không nghiêm, không áp dụng hết các chế tài được pháp luật quy định. Cụ thể trong bộ luật hình sự cũng đã quy định tội: “không chấp hành bản án” có chế tài xử phạt đến tù có thời hạn, tuy nhiên, tổng kết công tác xét xử của ngành Tòa án thì xét xử những vụ án về tội này gần như bằng 0.

 

Một nhà nước pháp quyền mà công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng không thực thi nghiêm chỉnh thì sẽ bị nhờn luật, “án tuyên chỉ để mà tuyên”  mọi người sẽ không sợ và mặc nhiên vi phạm vì họ hiểu theo một cách dân dã là: “có ai bỏ tù đâu mà sợ”.

Xin đừng đổ cho người Việt Nam không sợ pháp luật hoặc không tôn trọng pháp luật. Tại sao người Việt Nam sang du lịch Singapore không dám hút thuốc lá nơi công cộng, không nhổ kẹo cao su ra đường nhưng ở Việt Nam thì họ hút thuốc lá cả trong bệnh viện, trên xe buýt, khạc nhổ ngoài đường thoải mái tại sao vậy? Đơn giản là nhờn luật.

Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy chỉ thị của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác thi hành án dân sự, đây là một thông điệp tích cực thúc đẩy nhanh tiến chình cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nếu chỉ thị của Thủ tướng được các cấp các ngành thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động quyết tâm xây dựng một đất nước văn minh dân chủ và giàu mạnh vì quyền con người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên