Từ tâm thức đến nét đẹp văn hóa tiêu dùng

Vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam gặp bước suy giảm, giới doanh nhân nước nhà kịp nhận ra rằng bấy lâu họ quá chăm chắm tìm cách chen chân vào thị trường thế giới mà ít quan tâm đến thị trường nội địa…

Trong khi đó, thị trường nội địa đã và đang nuôi sống biết bao tập đoàn, công ty lớn nhỏ của nước ngoài… Và cũng thật đúng lúc, vào thời điểm khó khăn này, Bộ Chính trị ban hành văn bản thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khơi dậy tâm thức người Việt Nam về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sản xuất và thói quen tiêu dùng.

Có lẽ tâm thức người Việt dùng hàng Việt đã có từ lâu, rất lâu. Thời mà việc giao thương giữa các quốc gia, vùng miền còn khó khăn, đã đành. Ngay cả khi thương cảng mở ra, bán buôn tấp nập, hàng Việt vẫn chiếm vị trí thượng tôn trong thị trường tiêu dùng người Việt. Gỡ lên lớp lớp địa tầng văn hoá trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thấy vỡ oà những ngói gốm gạch nung, bình men con giống… Mà thật lạ, thứ nào cũng sắc nét hoa văn độc đáo, in đậm dấu ấn bàn tay thợ Việt khéo léo, tài hoa.

Một thời gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu hiển hiện trong đời sống hàng ngày của người Việt, từ nhà quyền quý đến lớp bình dân, từ sân rồng điện ngọc đến chợ quê, xóm vắng… Mặt hàng gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng làm say lòng các doanh nhân, tạo nên con đường gốm sứ trên Biển Đông tấp nập. Cũng từ rất nhiều đời rồi, ở mọi làng quê có biết bao làng nghề tồn tại cùng với đời sống cư dân, tạo ra cái ăn cái mặc, làm nên mái đình, cổng chùa tuổi mấy trăm năm… Thuở hình thành phố thị, làng nghề thành phường nghề, phố nghề. Mỗi làng, mỗi phường, mỗi phố đều có nét đặc sắc, độc đáo, dễ nhận, dễ biết, truyền nối từ đời này qua đời khác, thành những "Chiếu Nga Sơn gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông"…

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một cách ứng xử thông minh trong thời buổi kinh tế thị trường

Đó chính là chất lượng, là ưu thế, là thương hiệu hàng Việt. Ngược về thời Hùng Vương, từ trong truyền thuyết đã thấy lung linh tư tưởng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", tôn vinh những ai biết làm ra món ngon vật lạ. Thời Pháp thuộc, Việt Nam không chỉ có một Bạch Thái Bưởi sắm đội tàu cạnh tranh với các nhà tư sản ngoại bang trong vận tải thuỷ. Những Bạch Thái Bưởi với tư tưởng người Việt dùng hàng Việt để lại rất nhiều bài học hữu ích cho lớp doanh nhân sau này.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một phương châm, một cách ứng xử thông minh trong thời buổi kinh tế thị trường. Đó hoàn toàn không phải là lối nghĩ cạn hẹp ta về ta tắm ao ta, con hát mẹ khen hay, cái gì của ta cũng nhất thế giới… Cũng không phải là lối xử thế bế quan toả cảng, ngăn sông cấm chợ, một mình một chợ, mình chỉ biết mình. Càng không phải là chủ trương bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại. Đây chính là một cuộc vận động, một phong trào của nhân dân, khác với những quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Càng ngẫm, càng thấy chí lý. Hai chữ ưu tiên nói lên tất cả. Ưu tiên là có sự cân nhắc, so sánh. Nơi hơn thì lấy, nơi bằng đợi nhau cùng một sản phẩm, một mặt hàng với chất lượng, mẫu mã, giá cả tương đương, thì ưu tiên mua của doanh nghiệp trong nước. Ưu tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam… Ưu tiên không phải là buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hoá sản xuất trong nước với chất lượng thấp, giá cao.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một cuộc vận động, một phong trào, tác động đến doanh nhân, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhà sản xuất, suy rộng ra, trên mọi lĩnh vực, từ làm ra cái kim sợi chỉ, tàu thuỷ máy bay đến hàng hoá công nghệ, hàng hoá trí tuệ, hàng hoá - lao động - con người… Người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân, một gia đình, mà cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… Nhà sản xuất phải làm ra nhiều mặt hàng tốt, nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, hơn hẳn hàng hoá của nước ngoài. Người tiêu dùng cần có thói quen dùng hàng nội, bỏ dần thói quen sính ngoại, chuộng ngoại.

Khi bàn luận về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng ta không thể không nghĩ đến cách làm của người Nhật Bản. Từ lâu rồi, người Nhật Bản đã hình thành thói quen dành những mặt hàng tốt nhất, bền nhất, rẻ nhất cho người tiêu dùng trong nước. Cách làm của họ tạo nên thứ hàng hoá nội địa siêu bền, đã đành, còn tạo ra một thị trường bền vững, từ đó vươn ra chiếm lĩnh thị trường ngoài nước.

Triết lý sâu xa của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chính là hình thành một tâm thức, một thói quen, một nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam./.

Chùm ảnh của Quang Trung và CTV: Người tiêu dùng nông thôn hào hứng với hàng Việt

Người nông dân đang thử đôi giày Thượng Đình

Chỉ trong 24h, Ace cook đã bán được 700 thùng mỳ tôm

Hàng hóa về nông thôn chủ yếu là thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu

 "Siêu thị" lưu động tại huyện Ba Vì

Bà con nông dân rất thích mua hàng tại các "siêu thị" lưu động. Ở đó, họ được mua hàng có chất lượng tốt và giá cả hợp lý
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên