Vấn đề dân tộc đang nổi cộm

Để giải quyết tốt vấn đề dân tộc, hạn chế và đi tới xóa bỏ được những hận thù, xung đột dân tộc và sắc tộc, điều cốt yếu và cấp bách là phải vận dụng đúng đắn quan điểm của Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc.

>> Nhận thức về thời đại ngày nay

>> Cần nhận rõ cuộc đấu tranh giai cấp

>> Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay

Thế giới văn minh đang ở thế kỷ XXI, nhưng chưa có ngày nào im tiếng súng. Sau khi trật tự hai cực đổ vỡ, thế giới diễn ra những quá trình hợp tác - đấu tranh - xâm nhập vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau vô cùng phức tạp để thiết lập một trật tự thế giới mới - trật tự theo hướng đa cực.

Trong khi đó, thế giới còn bị chấn động thêm bởi hàng loạt cuộc xung đột khu vực, xung đội nội bộ. Từ năm 1945 đến nay mặc dù không có cuộc chiến tranh thế giới nào xảy ra, nhưng lại có hơn 60 cuộc chiến tranh vừa và nhỏ bằng vũ khí thông thường và cả vũ khí tinh khôn" - vũ khí công nghệ cao đã làm hàng triệu người bị thiệt mạng. Dường như chiến tranh lạnh vẫn lấp ló đâu đó chưa chịu rời hẳn thế giới này.

Các cuộc chiến tranh vừa và nhỏ có nhiều hình dạng khác nhau mỗi nơi một vẻ, nhưng tựu lại, có thể chia thành 7 loại: Chiến tranh khu vực, các cuộc nổi dậy, các hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh từ những mâu thuẫn quyền lợi kinh tế giữa các quốc gia dân tộc có chủ quyền, chiến tranh do những tham vọng chính trị và các cuộc nội chiến. Các cuộc chiến tranh này đã thay nhau ngự trị khắp nơi. Hầu hết các cuộc chiến tranh nói trên đều bắt đầu từ vấn đề dân tộc hoặc có liên quan đến vấn đề dân tộc. Nhiều cuộc chiến tranh có nguy cơ bị kéo dài trong khi nhiều nguy cơ xung đột mới đang đe dọa hàng triệu dân lành. Có thể nêu một số điểm nóng tại các khu vực của thế giới trong giai đoạn gần đây.

Tại châu Phi. Xung đột sắc tộc ở châu Phi có đặc trưng chung là thường xảy ra trong nội bộ một quốc gia đa dân tộc hoặc nhiều bộ tộc. Tại nhiều nước châu Phi, xung đột sắc tộc luôn luôn là vấn đề nhức nhối. Người ta ước tính, ở châu Phi hiện  nay có đến gần 1.000 dân tộc, bộ tộc khác nhau. Mỗi một dân tộc có nhiều đặc điểm riêng biệt. Tại đó, ảnh hưởng của chính phủ trung ương chỉ là một phần, còn phần quan trọng hơn là sự chi phối bởi quyền uy và tín nhiệm của những người tộc trưởng của các bộ tộc. Những người lao động của các bộ tộc có bất đồng với nhau hoặc bất đồng với  chính phủ trung ương, nếu không có biện pháp tháo gỡ rất rễ gây bùng nổ.

Đã thế, chủ nghĩa thực dân thống trị trước đây ở khu vực này đã để lại một bản đồ ranh giới giữa các nước rất không rõ ràng. Có khi cùng một dân tộc hoặc cùng một bộ tộc người nhưng lại bị chia cắt ra thành mấy mảng khác nhau. Từ đó dẫn đến tình trạng là khi chính quyền Nhà nước nằm trong tay của người  bộ tộc này, thì người bộ tộc khác không chịu và phản ứng lại. Mâu thuẫn này dễ bùng nổ thành xung đột khi chính quyền của giai cấp tư sản thống trị ở một số nước được lập ra, nhưng không đủ uy tín và sức mạnh, thiếu một chính sách dân tộc đúng đắn, nên không thể tập hợp và đoàn kết được cả dân tộc.

Tại các nước thuộc Liên Xô trước đây. Sau sự kiện tháng 8-1991, Liên Xô tan rã. Sự tan rã của Liên Xô đã dẫn tới việc hình thành một số quốc gia, quốc gia mới với biết bao vấn đề dân tộc, sắc tộc vốn đã chứa chất lại nảy sinh thêm. Hầu hết các quốc gia mới này đều bao gồm các nhóm sắc tộc và tôn giáo có quan hệ với những cộng đồng người lớn hơn tại các nước láng giềng. Thí dụ Mô-đô-va và Ca-dắc-xtan có 64% người Pô-lơ. Ngay như ở Liên Bang Nga, với 25 triệu người không phải người Nga ở trong 20 khu vực tự trị, cũng là mối đe dọa tiềm tàng về sự phân cách.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hơn 100 dân tộc anh em của Liên Xô trước đây đã chung sức, chung lòng xây dựng một Nhà nước hùng mạnh bậc nhất thế giới. Và trong một thời kỳ hơn nửa thế kỷ, do sự hợp tác phân công lao động, phân bố dân cư theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Liên Xô, người Nga, người Ucraina, người Bê-la-rút đã có mặt ở hầu khắp các nước cộng hòa. Thí dụ, ở Ca-dắc-xtan, số người Nga là 9,5 triệu, gần bằng người ca-dắc. Hiện nay có gần 50 triệu người Nga sống tại các nước Trung Á. Trước đây, việc định cư ở mọi nơi trên dải rộng 1/6 Trái đất là chuyện thường tình, thậm chí còn được khuyến khích. Khi gặp nhau, người công dân Liên Xô trước đây chỉ hỏi nhau làm nghề gì, từ đâu đến chứ không bao giờ hỏi nhau là dân tộc nào. Nhưng nay, khi cộng đồng Liên Xô bị chia cắt, các vấn đề dân tộc được dịp nổi lên. Biểu hiện rõ nhất là diễn ra việc xua đuổi người dân tộc khác, sắc tộc khác ra khỏi nơi cư trú trên đất đai của dân tộc chính gốc. Từ năm 1990 đến nay đã có hơn một triệu người Nga phải rời các vùng đất khác mà họ đã từng sinh sống, gắn bó hàng thập kỷ để về nước Nga.

Có thể nêu một số nguyên nhân những cuộc xung đột sắc tộc, đụng độ giữa các dân tộc, quốc gia :

Một là, những nguyên nhân lịch sử. Đó là những mâu thuẫn tích tụ rất lâu hàng thập kỷ trước đây, cũng có thể là những hận thù sâu xa từ xưa để lại. Bản thân những mâu thuẫn này cũng có nhiều dạng; mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, lợi ích kinh tế, và cũng có thể là mâu thuẫn nảy sinh từ nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc sôvanh…

Hai là, khi xu thế độc lập dân tộc được khẳng định, các dân tộc vừa tự khẳng định, vừa hòa nhập với thế giới toàn cầu hóa, làm ý chí mỗi dân tộc được củng cố mạnh mẽ hơn. Từ đó, những vấn đề dân tộc không được thực hiện và không được chấp thuận thỏa đáng, dễ gây ra bùng nổ.

Ba là, vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc dập tắt các lò lửa xung đột cũng có giới hạn; rất nhiều nước, nhiều tổ chức, nhiều chính khách của thế giới, đặc biệt là Liên hợp quốc tích cực hoạt động nhưng hiệu quả không cao.

Bốn là, hầu như tất cả các xung đột sắc tộc đó đều chứa đựng các lợi ích của cả nước trực tiếp tham gia và cả những nước đứng ngoài. Trong các cuộc xũng đột, không ít những phần tử bên ngoài muốn "đục nước béo cò" để kiếm chác. Nhiều khi các lực lượng đế quốc núp danh "việc thiện" để làm "điều ác".

Năm là, chính chủ nghĩa đế quốc, những kẻ lái súng, trong không ít trường hợp đã "đổ thêm dầu vào lửa". Để bán được nhiều vũ khí, nhưng tên lái súng của thế giới hiện đại không bao giờ muốn một thế giới thanh bình. Ngoài miệng thì chúng rêu rao "hòa bình", nhưng thực chất bên trong lại xúi bẩy, tiếp tay hoặc tìm mọi cách gây mất ổn định để có cớ kiếm chác.

Sáu là, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã có tác động rất lớn đến vấn đề dân tộc. Gần hai thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, vấn đề dân tộc ở các nước thuộc Liên Xô trước đây bùng lên tại nhiều nơi. Điều này chứng tỏ rằng, chính phủ chủ nghĩa xã hội đã giải quyết rất thành công vấn đề dân tộc. Rằng dưới thể chế xã hội chủ nghĩa, nếu thực hiện đúng nguyên lý của chủ nghĩa Mac – Lê-nin về vấn đề dân tộc thì các dân tộc, các bộ tộc, các tôn giáo, các màu da đều có thể sống chung hòa thuận bên nhau trong tòa nhà xã hội chủ nghĩa.

Để giải quyết tốt vấn đề dân tộc, hạn chế và đi tới xóa bỏ được những hận thù, xung đột dân tộc và sắc tộc, điều cốt yếu và cấp bách là phải vận dụng đúng đắn quan điểm của Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thế giới hôm nay, quyền của các dân tộc được thể hiện bằng các vấn đề sau:

Một là, mỗi dân tộc đều phải được quyền sống, quyền sinh tồn. Quyền được sống bao gồm việc cộng đồng quốc tế phải công nhận quyền sinh tồn của mỗi dân tộc, bộ tộc, không được nhân danh bất kể lẽ gì để ngăn trở quyền đó. Trong một quốc gia đa dân tộc, Nhà nước phải thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại của các cộng đồng dân tộc người, tránh việc hòa tan tộc người nhỏ vào cộng đồng lớn.

Hai là, mỗi dân tộc phải kiên quyết đấu tranh chống hai xu hướng, hai nguy cơ của chủ nghĩa sôvanh: chủ nghĩa sôvanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc, những cuộc "huynh đệ tương tàn".

Bà là, mỗi dân tộc và bộ tộc đều có quyền bình đẳng. Thế giới phải công nhận quyền bình đẳng của mỗi quốc gia. Trong mỗi quốc gia cũng phải thực hiện quyền bình đẳng của các bộ tộc, dân tộc, không cho phép một dân tộc này là thượng đẳng, đứng trên dân tộc khác.

Bốn là, quyền tự quyết, tự quản, chủ quyền dân tộc. Đa số loài người đang sống trong các quốc gia đa dân tộc. Mỗi quốc gia đều có chủ quyền của mình và bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình, không được can thiệp vào công việc nội bộ của dân tộc khác. Quyền tự quyết bao gồm cả quyền tự do lựa chọn quyết định xây dựng chế độ xã hội của mình, tự quản xã hội của mình, không ai có quyền xâm phạm.

Năm là, quyền bảo lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc là tài sản quý báu được chắt lọc qua lịch sử lâu dài của mỗi dân tộc. Quyền bảo lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm các lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, thuần phong, mỹ tục, truyền thống dân gian, các ngành nghề truyền thống, các giá trị văn hóa.

Sáu là, quyền kiểm soát và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây vừa là sự bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa có nội dung bảo vệ môi trường sinh thái.

Bảy là, quyền đượctiếp thu những thành tựu của nền văn hóa thế giới. Mọi dân tộc có quyền hòa nhập với thời đại, sử dụng những thành tựu chung của loài người trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật…

Tám là, quyền công dân. Mỗi quốc gia phải củng cố cơ sở pháp lý, hiến pháp, bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân trong nước. Bất kể công dân có nguồn gốc là dân tộc nào trong một quốc gia đều có quyền bình đẳng trong mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Tóm lại, để xây dựng được khối đoàn kết dân tộc, giải quyết được vấn đề dân tộc, cần nâng cao trình độ sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cao, giải quyết tốt quan hệ xã hội bằng cách thủ tiêu bóc lột, bảo đảm công bằng xã hội, xóa mọi tình trạng áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, đấu tranh khắc phục chủ nghĩa dân tộc sôvanh, tôn trọng quyền tự quyết của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc; hợp tác phát triển trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các dân tộc.

Mặt khác, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cần tăng cường động viên, giáo dục ý thức trách nhiệm với cả cộng đồng, tăng cường đoàn kết với các dân tộc khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sức xây dựng khối đoàn kết, hòa bình, tương thân, tương ái giữa các dân tộc và đấu tranh chống các hành động gây chia rẽ, hận thù giữa các dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên