Về đề xuất “Chính phủ giải cứu thị trường bất động sản”

Thị trường BĐS đã thực sự cần phải cứu hay chưa, thì lại đáng phải bàn.

Trước hết phải khẳng định, chủ trương thắt chặt tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đúng đắn. Nhất là trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế đang gặp khó. Đã từ lâu, tín dụng bất động sản (BĐS) là “miếng bánh ngon” của các ngân hàng. Vì đầu tư vào BĐS ở Việt Nam trong thời gian qua, gần như cầm chắc phần thắng, với tỷ suất lợi nhuận cao, có tài sản bảo đảm là dự án, là BĐS trong khi vòng quanh về vốn lại nhanh… Chính vì thế, dư nợ BĐS của toàn hệ thống ngân hàng cho đến 10/6/2011 ở mức Khoảng 228.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, thị trường BĐS đã thực sự cần phải cứu hay chưa, thì lại đáng phải bàn. Hãy thử phân tích thế này, trước khi NHNN quyết liệt trong việc yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng BĐS, thị trường BĐS cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng “sốt” đùng đùng. Một thời gian dài cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Xây dựng đã để cho giới đầu cơ mặc sức tung hoành, nhà nhà, người người đều tham gia “lướt sóng”. Nhà đầu cơ cả chuyên và không chuyên liên tục sử dụng chiêu thổi giá và thu tiền về. Một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp như Việt Nam ta mà giá nhà đất lại thuộc hàng cao nhất thế giới. Vô lý và ngoài sức tưởng tượng! Trên thế giới, giá BĐS chỉ bằng khoảng 7 – 8 lần thu nhập bình quân một năm của người dân. Ở Việt Nam, theo đánh giá sơ bộ, gấp đến vài ba chục lần. Chính vì thế, việc đưa BĐS về đúng giá trị thực là cần thiết, nhất là khi kinh tế đang khó khăn. Bởi vậy, chủ trương siết chặt tín dụng phi sản xuất, trong đó có BĐS là đúng đắn, cần thiết và cần tiếp tục.

Đề xuất giải cứu thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, được chú ý bởi đây là đề xuất “riêng lẻ” mang tính cục bộ của một ngành khi các ngành, các cấp đang cùng cảnh khó khăn chung tay chống lạm phát. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có hay không câu chuyện lợi ích nhóm khi đề nghị ngân hàng phân loại các dự án BĐS để tiếp tục cho vay? Cũng chưa đến lúc cứu thị trường BĐS bởi tại thời điểm này, quan sát thị trường có thể thấy, dấu hiệu giảm giá trên diện rộng chưa xảy ra. Giá BĐS đang tiến về mức hợp lý và đây là dấu hiệu tích cực. Đề xuất của Bộ Xây dựng cũng gặp phải sự “phản ứng” của dư luận khi liên tiếp thời gian qua, người ta phát hiện quá nhiều dự án xây dựng nhà ở bị bỏ hoang, những biệt thự, công trình xây dựng xong mà không có người sử dụng…

Trong khi đó, một trong những đề xuất của Bộ Xây dựng là đề nghị NHNN nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một cách làm khó hiểu. Vì nếu làm theo cách này sẽ giảm được khó khăn cho doanh nghiệp BĐS nhưng lại đẩy khó khăn sang cho người dân – những người luôn muốn giá BĐS trở về đúng giá trị thực của nó để có thể sở hữu một ngôi nhà để ở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên