Vệ sinh an toàn thực phẩm – không phải cứ “hô” là làm được
(VOV) -Ăn uống là nhu cầu hàng ngày của mọi người, nên việc này không phải cứ hô ầm lên là làm được.
Năm nào chúng ta cũng có Tháng hành động Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm với những quyết tâm ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm hằng năm vẫn tăng đều cả về số vụ, số người mắc và mức độ thiệt hại.
Sau Tháng hành động Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay, với chủ để “Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội“ kết thúc vào 10/2, thì từ đó đến nay vẫn xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ. Gần 3.000 người là nạn nhân, trong đó không ít người vừa là thủ phạm. Hơn 2.000 người phải nhập viện và hàng chục trường hợp tử vong đáng tiếc.
Từ giờ đến cuối năm và nhất là vào dịp gần Tết, chắc chắn số vụ việc ngộ độc thực phẩm còn xảy ra nhiều hơn. Năm nào chúng ta cũng hô hào rầm rộ với một quyết tâm mới nhưng không giải quyết được vấn đề trên thực tế. Những con số vừa kể chỉ là tương đối, vì còn rất nhiều trường hợp nhỏ lẻ không cơ quan chức năng nào thống kê xuể. Và cũng có không ít trường hợp ngộ độc tập thể, thậm chí rất nghiêm trọng, nhưng bằng cách này cách khác đã bị ỉm đi hoặc không được báo cáo đầy đủ.
Cấp cứu nạn nhân ngộ độc thực phẩm tại Sơn La do ăn cỗ cưới (tháng 4/2012) - Ảnh: VOV Tây Bắc |
Trong khi đó, cũng từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã thảo luận và kể cả tranh cãi khi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, nhưng chẳng có ai nhận trách nhiệm cụ thể. Một miếng ăn từ khi nuôi trồng, chế biến ở trong nước hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài cho đến khi vào dạ dày người tiêu dùng thì phải trải qua sự kiểm soát của dăm ba bộ, ngành chức năng. Nhiều người cùng chung trách nhiệm nên không có người chịu trách nhiệm chính.
Ví dụ điển hình và thời sự nhất là gà đông lạnh nhập từ Hàn Quốc về thành phố Hồ Chí Minh, đến giờ vẫn chưa cơ quan nào khẳng định là có đảm bảo an toàn hay không, có phải gà loại thải hay không. Hay trước đó là táo nhập từ Trung Quốc giá chỉ có 4.000 – 5.000 đồng/kg, cũng chẳng cơ quan nào đảm bảo cho người tiêu dùng rằng rẻ như thế thì có an toàn không, có phải là hàng kém phẩm chất hay không?
Vậy nên, truyền thông “chẳng biết đường nào mà lần”, chỉ còn biết hô hào người tiêu dùng phải… thông thái. Nhưng thông thái thế nào được khi mà tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép, sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến; các loại phẩm màu, đường hóa học bị lạm dụng trong pha chế nước giải khác, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn; nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, chợ tự phát, chợ tạm bị buông lỏng; công tác thanh tra liên ngành chồng chéo mà kém hiệu lực, xử lý vi phạm không kiên quyết, tuyến xã hầu như không xử phạt mà chỉ nhắc nhở…
Và chưa hết, nếu như trước kia các bà nội trợ rủ nhau đi mua hàng thường rỉ tai nhau tìm đồ của hãng này, nhãn hiệu kia, chú ý xuất xứ, hạn sử dụng... thì bây giờ chẳng dám nói với nhau nữa. Bởi vì, tình trạng sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ thành phần nguyên liệu và quy trình công nghệ ngày càng gia tăng, nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật trở nên phổ biến... Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản một cách bừa bãi cũng làm cho chất độc hại tồn dư trong thực phẩm và không có cơ quan nào kiểm soát.
Cái ăn là nhu cầu hàng ngày của mọi người, nên để giảm thiểu những vụ việc ngộ độc thực phẩm và tính chất nguy hại của nó thì không phải cứ hô hào rầm rộ lên là làm được, cũng không phải chỉ làm theo Tháng hành động, theo chiến dịch là xong.
Theo chúng tôi, trước hết là các cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm, phối hợp với nhau một các đồng bộ và có hiệu lực trên thực tế để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mọi sai phạm cần bị xử lý nghiêm với mức phạt đủ sức răn đe, trước hết tập trung vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, các nhà máy chế biến, các siêu thị, quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, kí túc xá sinh viên... Các nhà máy chế biến phải thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải được thanh tra kiểm tra thường xuyên.
Đối với thực phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, đương nhiên là trách nhiệm kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thuộc về các ngành chức năng có liên quan, nhưng trước hết là đơn vị nhập khẩu phải đảm bảo an toàn, sau đó là các đầu mối tiêu thụ lớn như siêu thị, nhà hàng... phải cùng chung trách nhiệm trong việc đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng.
Nếu chạy theo giá rẻ mà thiếu quan tâm tới vấn đề này thì cũng có nghĩa là vì tiền mà coi rẻ tính mạng của “thượng đế”./.