Việt Nam trong tuần: Xem xét khởi tố vụ sập cầu treo

VOV.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đang khẩn trương củng cố hồ sơ xem xét việc khởi tố vụ án sập cầu treo.

Kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam

Nhân kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2014), tối 27/2, tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe nhân dân -Vinh dự và trách nhiệm” và trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho các thầy thuốc, cán bộ công tác, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tại buổi lễ các đại biểu đã cùng nhìn lại lịch sử và điểm lại những thành tựu của ngành y trong 59 năm qua kể từ khi Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức y học hiện đại của thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền của nước ta, đồng thời không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, thực hiện tốt lời Bác Hồi dạy “Lương y như từ mẫu”.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2

Ngày 28/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm nay cũng như thảo luận, thống nhất định hướng chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong thời gian tới và một số vấn đề quan trọng khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (Ảnh: Thành Chung)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đồng thời các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, ngân sách; yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra ngay việc tăng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế phối hợp với các địa phương tập trung kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gia cầm bùng phát và lan rộng gắn với đẩy mạnh triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối...

Luân chuyển 44 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về địa phương

Ngày 28/2, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 7314-CV/VPTW về chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ gần đây.

Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định luân chuyển đợt 1 gồm 44 thành viên. Trong đó có 25 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 19 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có 2 Ủy viên Trung ương Đảng, 19 Thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ.

Toàn bộ số cán bộ luân chuyển đợt này đều trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, trong đó có 22 cán bộ được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Giảm lượng công chức “cắp ô” khi tinh giản 100.000 biên chế

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Nghị định tinh giản biên chế trong 6 năm tới (2014-2020). Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất, trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế trên cả nước. Đề xuất này của Bộ gây sự chú ý trong dư luận, đặc biệt nhiều người quan tâm đến tính khả thi của đề xuất, liệu việc tinh giản này có thực sự đào thải những công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, trong quá trình tinh giản có tránh được việc tiêu cực?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV online (Ảnh: Thanh Hà)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV online, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, qua kinh nghiệm của Nghị định 16 và Nghị định 32, Bộ dự kiến lần này sẽ tinh giản khoảng 100.000 cán bộ công chức. Trong quá trình thực hiện có thể hơn, hoặc kém con số 100.000, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng của đội ngũ công chức, để phục vụ các cơ quan hành chính Nhà nước.

Lo ngại đổi mới thi tốt nghiệp THPT nảy sinh tiêu cực

Chiều 24/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thông báo một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) giảm số môn thi từ 6 môn như các năm trước đây còn 4 môn. Về cách thức chọn môn thi: Thay việc Bộ GD-ĐT quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.

Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc Bộ quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.

Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).

Trước những quy định mới này, nhiều chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo bày tỏ lo ngại có thể sẽ có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và nảy sinh nhiều tiêu cực trong quá trình thi và xét tốt nghiệp.

Dịch cúm gia cầm đã lan ra 22 tỉnh, thành

Theo tổng hợp của Bộ NN-PTNT từ các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm liên tục xuất hiện tại các địa phương và tiếp tục có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 27/2, cả nước đã phát hiện 144 hộ chăn nuôi tại 82 xã của 22 tỉnh, thành phố có gia cầm mắc bệnh cúm với số gia cầm mắc bệnh trên 89.000 con, số gia cầm bị tiêu hủy trên 113.000 con.

Đặc biệt tại các tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, Trà Vinh, Vĩnh Long dịch xuất hiện ở nhiều xã và làm chết nhiều gia cầm. Do vậy, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất lớn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1, đồng thời để nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch trên gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định sản xuất chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các tỉnh có nguy cơ, khẩn trương chỉ đạo áp dụng ngay các biện pháp quyết liệt để khống chế và ngăn chặn dịch cúm gia cầm, đồng thời để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm gia cầm sạch.

Sập cầu treo khiến 8 người chết, 38 người bị thương

Khoảng 8h30 phút ngày 24/2 trong khi nhân dân bản Chu Va 6 và vùng lân cận thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang tổ chức tang lễ đưa thi hài đến giữa cầu treo dân sinh Chu Va 6 nối hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 thì xảy ra sự cố sập cầu hất văng nhiều người dự tang lễ xuống suối. Hậu quả, 8 người chết và 38 người bị thương.

Hiện trường vụ sập cầu treo ở Lai Châu (Ảnh: Thanh Thủy)

Sau 4 ngày điều tra, Tổ công tác kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban đầu xác định nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6 là do bị đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp, đầu cầu hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu, gây lật mặt cầu, hất người đi trên cầu xuống suối.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đang khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, tang vật để củng cố hồ sơ xem xét việc khởi tố vụ án.

Không được dỡ cầu Long Biên

Ba phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra về “số phận” cầu Long Biên tiếp tục là đề tài nóng được công luận quan tâm. Bộ GTVT đã chính thức lên tiếng về chủ trương xây dựng cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên hiện tại 30m theo phương án mà Thủ tướng đã phê duyệt từ 2011.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đây là phương án khả thi nhất, tiết kiệm chi phí nhất vì giải phóng mặt bằng không lớn. Còn phương án của Hà Nội đề xuất xây cầu mới cách cầu cũ 186 m hoàn toàn không khả thi và chi phí giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến hàng trăm hộ dân.

Cầu Long Biên (Ảnh: Hà Thành)

“Lẽ ra cứ theo phương án Thủ tướng đã duyệt mà làm, đằng này, Hà Nội lại tiến hành hội thảo nọ, hội thảo kia, thành ra lắm ý kiến, tranh luận ầm lên dẫn tới dự án bị chậm trễ”, Bộ trưởng Thăng phàn nàn.

Ngày 28/2, phát biểu về vấn đề này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: “Tôi thấy bàn về bảo tồn gì mà dỡ đi chỗ khác thì còn gì là bảo tồn nữa. Tổng thống, Thủ tướng Pháp khi sang đây họ cũng mong muốn mình giữ nguyên cầu Long Biên giữ nguyên rồi có gì họ sẽ tài trợ. Chúng ta chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì làm thôi, giờ đừng bàn dỡ cầu Long Biên nữa”.

Phát hiện gốc gỗ sưa tiền tỷ nặng 2 tấn

Ngày 23/2, ông Nguyễn Văn Thời và con trai Nguyễn Quang Huy, trú tại thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch trong khi rà cá ở khu vực ngầm bến Troóc đã phát hiện gốc gỗ huê (sưa) chìm dưới mặt nước gần 1m.

Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương phối hợp với ngành kiểm lâm trục vớt khúc gỗ quý hiếm này. Đây là khúc gỗ từ thượng nguồn trôi về đã lâu, nay mới được phát hiện.

Gốc gỗ sưa tiền tỷ nặng 2 tấn được trục vớt (Ảnh: Thanh Hà)

Từ ngày 25 đến sáng 26/2, UBND huyện Bố Trạch và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình tổ chức trục vớt. Tang vật được đưa về UBND huyện.

Ông Đặng Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: Theo quy định, khúc gỗ sưa phải bán đấu giáTuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện nay là xác định giá khởi điểm để đấu giá. Được biết cơ quan chức năng dự kiến sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số tiền bán đấu giá được cho người đã phát hiện gỗ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên