VN trong tuần: Không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông

VOV.VN - Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF và trả lời báo chí quốc tế bên lề sự kiện này được dư luận ủng hộ mạnh mẽ.

Không đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Đông Á cũng như trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn ngày 23/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ rõ những ý đồ của Trung Quốc khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như thông tin để thế giới hiểu được ý muốn của dân tộc Việt Nam. 

Ảnh: Nhật Bắc

Đặc biệt, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Phát biểu này của Thủ tướng đã được các đại biểu Quốc hội và dư luận trong nước, quốc tế hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cho rằng, đây là tiếng nói đanh thép về độc lập, tự chủ, chủ quyền của quốc gia, dân tộc trước cộng đồng thế giới.

Quốc hội thảo luận về tình hình Biển Đông

Đúng 9h sáng 20/5, Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ làm việc trong 28 ngày, trong đó có 21 ngày thảo luận các dự án luật và 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn. Đồng thời, Quốc hội cũng dành thời gian để nghe báo cáo về tình hình Biển Đông.  

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Đức Thanh)

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Công thư 1958 không công nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình diễn biến Biển Đông. Tại buổi họp báo, đại diện của Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 để không ảnh hưởng tới an ninh hàng hải khu vực.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho rằng văn bản này hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung công thư nêu rõ rằng Việt Nam tôn trọng việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý.

Ảnh: Bùi Hùng

Việc công thư không đề cập đến hai quần đảo cũng phù hợp với thực tế lúc đó: hai quần đảo nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa, được Pháp giao lại năm 1956 phù hợp với Hiệp định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc có tham gia.

Ngoài ra, công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể thời điểm được gửi cho Trung Quốc, khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định Geneva, Trung Quốc là bên tham gia. 

Ông Trần Duy Hải khẳng định "Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc".

Tàu Trung Quốc gây hấn, tàu Việt Nam kiên định đấu tranh hòa bình

Trong tuần, tình hình trên thực địa khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vẫn rất căng thẳng.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Văn Trung cho biết, tàu Trung Quốc tập trung thành các nhóm khoảng 8 đến 10 tàu gồm tàu cá, tàu kéo, tàu Hải cảnh, Hải giám nhằm vây ép, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu Kiểm ngư của Việt Nam ở khoảng cách 4-5 hải lý.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng xối xả vào tàu Kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Đình Thiệu)

“Tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh ở phía Tây Nam, cách giàn khoan khoảng 7-9 hải lý. Trung Quốc vẫn bố trí tàu kéo, tàu cá vỏ sắt sẵn sàng đâm va, phun nước nhằm chia cắt, cản phá đội hình tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, tàu cá Việt Nam dưới sự hỗ trợ, bảo vệ của lực lượng Kiểm ngư vẫn an toàn và yên tâm bám biển, tiếp tục đấu tranh”, ông Nguyễn Văn Trung cho biết.

Tinh thần của các kiểm ngư viên và ngư dân rất tốt, kiên trì đấu tranh, thực hiện tốt các chỉ đạo của lãnh đạo Cục Kiểm ngư. Tàu cá Việt Nam vẫn khai thác hải sản bình thường quanh khu vực giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép.

Một cụ bà tự thiêu để phản đối Trung Quốc

Chiều 23/5, Ủy ban nhân dân quận 1, TP HCM tổ chức họp báo thông tin về vụ việc một phụ nữ dùng xăng tự thiêu trước cổng Hội trường Thống Nhất sáng cùng ngày.

Tại buổi họp báo, Thượng tá Phan Thanh Liêm, Phó Trưởng Công an quận 1 cho biết: Người tự thiêu là bà Lê Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, ngụ tại 253/1 đường Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Lúc 6h ngày 23/5, nhiều người đi đường hoảng hốt phát hiện một người phụ nữ tưới xăng lên người và châm lửa tự thiêu trước cổng chính Hội trường Thống Nhất, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Ngay khi vụ việc xảy ra, các bảo vệ tại đây đã nhanh chóng dùng bình chữa cháy để dập lửa. Khoảng 3 phút sau ngọn lửa được dập tắt, nhưng bà Mai đã tử vong tại chỗ.

Tại hiện trường, công an thu giữ 1 can loại 5 lít, một đôi dép và một bọc đồ chứa 7 biểu ngữ viết tay phản đối hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

3 trẻ tử vong ở Quảng Trị: Do y tá tiêm nhầm thuốc giãn cơ

Sáng ngày 22/5, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa làm 3 trẻ em tử vong.

Quang cảnh họp báo (Ảnh: Thùy Linh)

Theo kết quả điều tra, sáng 20/7/2013, sau khi nhận y lệnh của bác sỹ 3 phiếu tiêm chủng vaccine viêm gan B, y tá Nguyễn Thị Thuận đến tủ lạnh phòng khám lấy vaccine viêm gan B. Thời điểm này bệnh viện bị mất điện nên thay vì lấy vaccine viêm gan B, y tá Thuận đã lấy nhầm thuốc Esmeron là loại thuốc giãn cơ dùng trong gây mê để tiêm cho 3 trẻ sơ sinh, dẫn đến tử vong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị kết luận: “Bị can Thuận đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc trong khi thi hành nhiệm vụ tiêm vaccine viêm gan B, đã nhầm Esmeron gây ra cái chết cho 3 trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa ngày 20/07/2013”; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo điều 99 Bộ luật Hình sự.

Chính phủ rất quyết liệt hỗ trợ DN nước ngoài trở lại hoạt động

Bên lề phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ngày 23/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đang tích cực chỉ đạo các đơn vị cùng địa phương rà soát và xác định lại mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ thật nhanh chóng, kịp thời.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có chuyến thị sát tại các khu công nghiệp của Bình Dương và Đồng Nai nhằm hỗ trợ các DN nước ngoài chịu thiệt hại.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Các chính sách giảm, giãn, khấu trừ một số loại thuế, phí như thuê đất, bảo hiểm sẽ sớm được thực hiện sau khi có rà soát tính toán cụ thể với từng nhóm mức độ thiệt hại, từng DN. Những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ quyết làm ngay. Nếu vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội. Thủ tướng đã hứa tạo điều kiện tối đa cho các DN.

Tiếp tục vụ án xét xử “bầu Kiên” và đồng phạm

Từ ngày 20-24/5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên – tức “bầu Kiên” (SN 1964, trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) và đồng phạm. Đây là vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).

Bầu Kiên và 8 đồng phạm bị truy tố với 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái; Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

Ảnh: PV

Đây là một trong vụ án kinh tế - tham nhũng nghiêm trọng được Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo sớm đưa ra xét xử, đúng theo các trình tự pháp luật.

Tại cáo trạng, của VKSND Tối cao, Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bị truy tố về 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo và cán bộ ACB) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.

Bị cáo Dương Tự Trọng được giảm 2 năm tù

Trong 2 ngày 22-23/5, Tòa án nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng) và đồng phạm về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa này, Viện Kiểm sát (VKS) đánh giá tính chất hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng có tổ chức, hoạt động tinh vi… nhằm che dấu hành vi phạm tội trước cơ quan pháp luật.

Ảnh: PV

HĐXX phúc thẩm xét thấy lời khai của các bị cáo, ý kiến luật sư, đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm là thành khẩn; việc xét xử các bị cáo với tội danh "Tổ chức trốn đi nước ngoài" là đúng pháp luật. HĐXX cũng đồng ý với đề nghi xem xét giảm án cho một số bị cáo.

Sau khi xem xét, HĐXX chấp nhận việc giảm án với Dương Tự Trọng còn 16 năm tù giam. Riêng các bị cáo Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn, Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn), HĐXX quyết định giữ nguyên mức án bản án sơ thẩm đã tuyên.

ĐT bóng đá nữ Việt Nam đánh mất tấm vé dự World Cup 2015

Không khí hân hoan và sự cổ vũ cuồng nhiệt trên sân Thống Nhất (TPHCM) chiều 21/5 đã không thể giúp các cô gái chủ nhà Việt Nam thực hiện được ước mơ cháy bỏng dự World Cup 2015 tại Canada. Với thất bại tại trận chung kết SEA Games 27, một lần nữa, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bị các cô gái Thái Lan vượt qua trong sự tiếc nuối và kỳ vọng khôn nguôi của người hâm mộ.

ĐT nữ Việt Nam chịu thất bại trước Thái Lan (Ảnh: Vinh Quang)

Mặc dù làm khách và có thời gian được nghỉ ít hơn 1 ngày, nhưng các cô gái xứ Chùa Vàng đã làm tốt hơn trong việc tận dụng cơ hội để chuyển thành 2 bàn thắng trong hiệp 2 từ những sai lầm của hàng phòng ngự Việt Nam. Bên cạnh đó, kỹ - chiến thuật và tâm lý thi đấu của các cô gái Thái Lan cũng nhỉnh hơn so với các cô gái chủ nhà. Họ thi đấu chắc chắn, điều phối tốc độ trận đấu tốt trước sự hưng phấn và sức ép không chỉ của 11 cầu thủ áo đỏ mà còn từ sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả trên sân.

Có nhiều ý kiến cho rằng ĐT nữ Việt Nam thua trận là do những sai lầm mang tính cá nhân nhưng xét một cách toàn diện thì bóng đá nữ Thái Lan đã vượt qua chúng ta không chỉ ở trình độ mà còn là cách làm, cách phát triển bóng đá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên