Vụ học sinh gãy chân ở trường Nam Trung Yên: Khi sự dối trá lên ngôi
VOV.VN - Hầu hết một tập thể sợ nói ra sự thật, bao che cho cái xấu. Vì sao?
Sự việc xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) chỉ thực sự được báo chí và dư luận quan tâm khi mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý nghiêm. Sự việc đã thực sự khiến những người chứng kiến bất bình vì các hành xử quanh co, vô trách nhiệm của bà Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc. Sự việc xảy ra trong sân trường do chính bà Ngọc quản lý nhưng bà “chối bay chối biến” tất cả. Bà đưa ra hàng loạt bằng chứng để “chối” nhưng sau đó thấy “đuối” thì lại “chợt nhớ ra” vài chi tiết.
Bà Hiệu trưởng Ngọc trần tình về sự việc (Ảnh: KT) |
Sự việc trở nên tồi tệ và đáng bị phê phán, lên án khi bà Hiệu trưởng này cho tổ chức một cuộc lấy phiếu khảo sát ý kiến của học sinh, cán bộ giáo viên. Trong tập phiếu này, tổ bảo vệ trực buổi sáng ngày 1/12/2016 khẳng định, hôm đó không có bất cứ chiếc xe nào ra vào trường. Nhưng sau đó, khi không thể chối cãi được bà Ngọc lại chợt nhớ ra là có xe đi vào trường bằng cổng sau.
Chưa hết, khi bị phản ứng về việc tổ chức lấy ý kiến khảo sát, bà Ngọc lại đổ lỗi hoàn toàn cho người thuộc cấp của mình. Ở đây, lại có một câu hỏi lớn: Bà Ngọc có vai trò gì trong nhà trường mà lại để một cô hiệu phó “đạo diễn” tất cả? Và vì sao tất cả những phiếu này đều “bênh” bà Hiệu trưởng?
Bà là Hiệu trưởng, là cô giáo và là một người mẹ. Hơn ai hết, ở bà phải có sự bao dung, độ lượng hơn tất cả những người phụ nữ ở xung quanh. Chưa nói đến trách nhiệm, chỉ nói đến cái tình người với người, tình cô với trò... thì thấy một học sinh bị nạn đau đớn như vậy, cô phải là người đầu tiên rung động, đau xót chứ không phải chỉ tìm cách chối quanh để thoái thác trách nhiệm tới mức xã hội phải phẫn nộ, lên án.
Cháu Trần Chí Kiên bị chấn thương nặng, gãy xương đùi phải nẹp vít xương nhưng nhà trường khẳng định cháu chơi đùa tự ngã. (Ảnh: Vietnamnet) |
Không hiểu, bài học về đạo đức, về tinh thần trách nhiệm, về lòng dũng cảm nhận lỗi – xin lỗi khi mắc lỗi… được bà hiệu trưởng và các giáo viên trong trường dạy học sinh như thế nào? Nhưng ở đây đã lộ ra một sự gian dối qui mô tập thể. Vì sao họ sợ sự thật và bao che cho cái xấu một cách dễ dàng như vậy? Điều nguy hiểm nhất, chính các em học sinh trong trường đã được dạy cách nói dối, được dạy cách bao che cho cái xấu. Nếu báo chí không vào cuộc, dư luận không lên tiếng thì sự thật về vụ tai nạn sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Và nếu bà còn tại vị thì không biết các thế hệ học trò sẽ ra sao khi được dạy dỗ trong một môi trường phi sư phạm do bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc tạo ra như vậy?
Dân ta vốn từ xưa tới nay hành xử với nhau theo cách có lý, có tình, có trước có sau. Theo đúng đạo lý và cách hành xử thông thường, cho dù xe chở cô vào trường có gây tai nạn thì tập thể nhà trường cứ lo chu đáo cho học sinh thì đâu có ai chê trách. Cháu bé gặp nạn do nguyên nhân gì đi chăng nữa thì nhà trường cũng phải có trách nhiệm với cháu vì cháu là học sinh của trường. Nhưng cách ứng xử có tình người một cách sơ đẳng nhất dường như cũng bị bà Hiệu trưởng này bỏ qua và chỉ lo cách thoái thác trách nhiệm.
Dư luận rất mong các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm làm rõ trắng – đen, trả lại sự công bằng cho em bé bị gãy chân do sự tắc trách của người lớn, cụ thể là chính thầy cô của các em./.