“Xã hội mạng” cũng phải có pháp luật

Lịch sử loài người đã minh chứng một điều tất yếu là không có xã hội nào không cần đến Nhà nước và pháp luật. Và “Xã hội mạng” cũng phải tuân theo quy luật đó.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet đã giúp nhân loại biến đổi vượt bậc trong tổ chức, quản lý kinh tế, xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, quốc gia, tổ chức, đều tranh thủ khai thác cao nhất thành tựu này phục vụ cho lợi ích của mình.

Mạng Internet nhanh chóng thành mạng xã hội, toàn cầu. Chỉ cần có máy tính, thiết bị kết nối mạng, là người ta có thể trở thành thành viên của “xã hội mạng”.

Những lợi ích do mạng Internet mang lại vô cùng to lớn và cần thiết. Ngày nay, thật khó hình dung nổi, nếu thiếu dịch vụ Internet thì có bao nhiêu hoạt động xã hội bị ngưng trệ.

Việt Nam quản lý Inernet nhằm bảo đảm trật tự và ổn định xã hội (Ảnh: MH)

Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Internet đã góp phần giải phóng con người, giải phóng sức sản xuất. Nhiều ý tưởng tốt đẹp, giá trị, tinh hoa khoa học, kỹ thuật, văn hóa của nhân loại, nhanh chóng được lan truyền, phổ biến, hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, phục vụ con người. Năng lực của cá nhân, tổ chức có điều kiện phát triển, giao lưu, bổ sung, nhân lên để đạt giá trị, hiệu quả cao, mang lại lợi ích chính đáng cho chủ thể. Dịch vụ mạng hỗ trợ làm nên tính nhân văn rộng lớn và sâu sắc; tập hợp, chia sẻ, giúp đỡ giữa những người không may, khốn khó, những người cùng cảnh ngộ hay sở thích…

Nhiều tổ chức, nhóm hoạt động nhân đạo, nghĩa tình đã hình thành và phát triển từ việc sử dụng tiện ích Internet. Những yếu tố tích cực phục vụ nâng cao cuộc sống con người ngày càng được khai thác mạnh mẽ nhờ tiện ích, ưu thế của Internet.

Nhưng, cũng như những thành tựu khác của nhân loại, Internet đã và đang bị những phần tử xấu, bọn cơ hội chính trị, những thế lực thù địch chống đối dưới đủ mọi màu sắc, cấp độ, cả ở trong và ngoài nước. Chúng lợi dụng Internet để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bây giờ không khó khăn gì khi truy cập vào những địa chỉ “đen” này. Từ blog đến trang mạng, có cả những địa chỉ mạo danh. Thông tin ở đó thường được ngụy tạo dưới nhiều hình thức, dùng từ ngữ mỹ miều, nhạy cảm, có thông tin bịa đặt trắng trợn với dụng ý xấu, đánh vào tâm lý, tình cảm, trạng thái bất ổn của người dân.

Mục đích của bọn chúng là tạo ra bầu không khí xã hội hoang mang, dao động, gây mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo ra mất sự đoàn kết nội bộ, làm rối loạn bên trong, dẫn đến “tự diễn biến”.

Biết rất rõ vũ khí Internet vô cùng lợi hại, nên gần đây những phần tử xấu đã “đồng ca” với giọng điệu cũ rích để phản bác dự thảo Nghị định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng (Dự thảo Nghị định này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện).

Đồng điệu với cái trò đó là những tổ chức có những cái tên gọi như “cơ quan nhân quyền”, “phóng viên không biên giới”,… Chẳng ai còn lạ lẫm gì trò “gắp lửa bỏ tay người” theo kiểu cùng nhau “rống lên, nhai lại” những nhận định, đánh giá áp đặt, phi lý, thiếu thực tế, mạo danh những giá trị tốt đẹp như nhân quyền, dân chủ thông tin, tự do báo chí,…

Thành quả của cách mạng công nghệ thông tin đều được các quốc gia khai thác, sử dụng cho mục đích của mình. Việc khai thác, sử dụng Internet cũng vậy. Nó phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dân tộc, của Đảng. Do đó, Internet phải được quản lý chặt chẽ, nhằm phục vụ lợi ích của số đông người dân, bảo vệ chế độ chính trị, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Lịch sử đã qua của nhân loại và lâu dài về sau này minh chứng rằng, không có xã hội nào không cần đến Nhà nước và pháp luật. “Xã hội mạng” cũng phải có “Nhà nước”, “pháp luật”. Tự do, dân chủ chỉ thực sự có được trong khuôn khổ, kỷ cương. Do đó, chẳng có gì phải ồn ào trước việc xây dựng các quy phạm pháp luật quản lý Internet, bởi đó là công việc tất yếu phải làm nhằm phục vụ và bảo vệ quyền lợi của đại đa số quần chúng nhân dân, cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên