Xem hoa tam giác mạch miễn phí: Người Việt ngày càng trở nên xấu xí?

VOV.VN -Hàng nghìn người đã “giẫm nát” ý tưởng cao đẹp của chủ vườn, thậm chí khiến ông chủ đứng trước một mùa hoa thất bát.

Thêm một lần nữa, câu chuyện về “miễn phí” củng cố rằng, nó không phù hợp với người Việt Nam, đặc biệt là những người đang sống ở Thủ đô Hà Nội.

Đã có biết bao nhiêu vụ “miễn phí” ở Hà Nội, mà người dân lao đến như hôi của, ăn cướp rất phản cảm khiến những người chứng kiến cảm thấy xấu hổ. Gần đây nhất là việc Công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí cho người dân vào tắm. Hình ảnh chen lấn, xô đẩy, bế con trẻ trèo qua rào sắt… khiến ai nhìn thấy cũng phải lắc đầu “đi tắm mà sao phải khổ thế”?
Hàng nghìn người đua nhau "giẫm nát" thành quả của "người nông dân"

Lần này, rõ ràng ông chủ thung lũng hoa Hồ Tây đã rước họa vào thân. Mở cửa miễn phí với thiện tình giúp người dân Hà Nội có dịp được ngắm hoa tam giác mạch, có những bức hình lưu lại khoảnh khắc đẹp ở thung lũng hoa… Nhưng than ôi, ông chủ vườn hoa có lẽ đã không lường trước được thảm họa này và có lẽ đã nghĩ rằng, tất cả mọi người đều có ý thức nâng niu cái đẹp, giữ gìn cái đẹp, tôn trọng nội qui mà chủ vườn đặt ra.

Ông đã lầm rồi ông chủ ơi! Ông hãy nhìn xem, các lễ hội hoa hay những đợt miễn phí một loại dịch vụ, hàng hóa nào đó được tổ chức ở Hà Nội (lễ hội hoa anh đào, lễ hội hoa xuân...) có bảo vệ vòng trong vòng ngoài nhưng vẫn không ngăn nổi “lòng nhiệt tình yêu cái đẹp cuồng dại” đến mức quên cả những phép tắc xung quanh... của cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ ở đất Hà Thành. Sao ông không nhìn vào những gì đã xảy ra trước đó để rút ra bài học xương máu cho bản thân mình? Để rồi bây giờ, sau 2 ngày (so với lịch dự kiến là 7 ngày) mở cửa miễn phí đón người dân lại phải lo khắc phục hậu quả, lo làm sao cây cối phục hồi để kịp phục vụ Tết nguyên đán…

Quả thực, đây là bài học cho ông chủ vườn hoa và cho cả các doanh nhân có ý định miễn phí bất cứ thứ gì.

Câu chuyện về ý thức của người dân ở nơi công cộng chưa dừng lại ở thung lũng hoa Hồ Tây. Vườn hoa hướng dương của TH Truemilk đẹp như thế, thu hút hàng nghìn khách du lịch, cũng bị những người “yêu cái đẹp” cũng bị giày xéo không thương tiếc. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện một clip ghi hình một số thanh niên giẫm, đạp, đấm, đá những bông hoa hướng dương vô tội khiến ai xem cũng thấy bức xúc và không biết gọi tên những hành động của các bạn trẻ này là gì.

Xem ra, ở nước mình cái gì miễn phí, cho không, phát không cũng nảy sinh  tiêu cực, phản cảm. Xem tờ rơi quảng cáo, đọc tin, biết ở đâu có “miễn phí” là lao đến giành giật… Chen lấn, xô đẩy, giành cho được một phần quà nhưng nhiều người lại không biết lấy về để làm gì. Mang về rồi lại vứt bỏ, để quanh, tới lúc hỏng mang đi vứt, nếu còn chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng thì lại mang đến đổi trả... Câu chuyện của Viettel vài năm trước là một ví dụ. Viettel phát điện thoại miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, kể cả ở đô thị để tăng độ phủ sóng. Thế nhưng nhiều người mang máy về mà không hề sử dụng mà vứt xó nhà, gác bếp, chuồng gà... gây lãng phí vô cùng. Lãnh đạo Viettel khi ấy cũng đã nhận ra sự bất cập này và chấm dứt chương trình.

Tính xấu của người Việt chẳng khó khăn gì để phát hiện, chỉ cần một phép thử rất nhỏ là thấy ngay. Một thông báo miễn phí sử dụng dịch vụ, ăn, chơi, uống… là ùn ùn kéo đến, tranh giành, giẫm đạp. Sao kỳ lạ đến vậy? Nói rằng, tại dân trí thì không đúng, bởi hàng loạt những sự kiện xảy ra vừa rồi toàn ở các thành phố lớn chứ đâu phải diễn ra ở những nơi vùng sâu, vùng xa?

Trong đám đông những người có hành động được gọi như “trẻ trâu” có bao nhiêu người là sinh viên đại học, là cử nhân, thạc sĩ… đã từng ra nước ngoài, đi tây đi tàu? Thế mà khi lẫn vào đám đông dùng đồ miễn phí họ cũng tranh giành, chộp giật như ai.

Họ, có người đã làm cha, làm mẹ; có người sắp làm cha, làm mẹ mà hành động như vậy không biết sau này họ sẽ dạy con mình như thế nào? Những vụ việc “lùm xùm” về ý thức người Việt khi dùng đồ miễn phí trước kia được đưa lên báo, lên các trang mạng xã hội để cùng nhau “mổ xẻ”, “ném đá”… thế nhưng lần sau nếu có miễn phí mọi việc lại “vẫn y nguyên”.

Người ta bảo “Nghèo đi với hèn”, nhưng rõ ràng đến những điểm vui chơi giải trí như Thung lũng hoa Hồ Tây hay công viên nước Hồ Tây, hay nhà hàng Shushi… thì không phải là những kẻ “nghèo hèn” mà toàn những người có ăn học, hiểu biết cả. Vậy tại sao lại vẫn xuất hiện những tình huống cười ra nước mắt như vậy. Chắc chỉ người trong cuộc mới biết?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Việt rất xấu xí?
Người Việt rất xấu xí?

VOV.VN -Những thói xấu của người Việt đã để lại hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế và chính người Việt khi nhìn cộng đồng của mình.

Người Việt rất xấu xí?

Người Việt rất xấu xí?

VOV.VN -Những thói xấu của người Việt đã để lại hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế và chính người Việt khi nhìn cộng đồng của mình.