Bằng Thạc sĩ giả được bán với giá chỉ vài triệu đồng
VOV.VN - Chỉ vài triệu đồng, các đối tượng có thể tạo ra các loại bằng từ Cao đẳng, Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ cung cấp ra thị trường.
Làm giả bằng các cấp!
Ngày 11/5, anh Nguyễn Huy Hùng (Hà Nội) đến công an quận Hoàng Mai trình báo về việc Cao Thị Ngọc Anh (SN 1983, ở tổ 20, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) nhận làm bằng Đại học, Trung học nghề giả với giá chỉ vài triệu đồng.
Các đối tượng trong đường dây |
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, anh Hùng nhận thức việc làm bằng giả là vi phạm pháp luật, nên đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, căn cứ vào nội dung trình báo, Ban chỉ huy cơ quan công an quận Hoàng Mai đã điều một tổ công tác của Đội CSHS đến quán cafe số 50 (ngõ 24 - đường Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) nơi anh Hùng được "đối tác" hẹn đến để trả bằng và tiến hành kiểm tra hành chính Cao Thị Ngọc Anh.
Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ các giấy tờ liên quan đến bằng cấp, học bạ giả của các trường Đại học, Cao đẳng… Ngọc Anh mang theo giao cho khách. Ngọc Anh khai nhận “nguồn hàng” được lấy từ Hoàng Anh Quang (SN 1990, ở phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).
Kiểm tra hành chính nơi ở của Quang, công an quận Hoàng Mai thu giữ hàng trăm loại giấy tờ, bằng cấp giả. Quang khai được một đối tượng tên Dũng (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa các loại bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT giả do khách đặt làm, để chuyển cho khách rồi thu tiền, sau đó về đưa tiền cho Dũng.
Mỗi bộ hồ sơ, Quang được Dũng trả tiền công 300.000 đồng.
Trong quá trình điều tra, ngày 16/5, đối tượng Hoàng Thanh Tùng đã đến công an quận Hoàng Mai đầu thú, giao nộp hàng chục loại giấy tờ, bằng cấp giả và nhiều phương tiện dùng để làm giấy tờ giả.
Tại cơ quan điều tra, Tùng khai nhận, làm “xe ôm” tại khu vực bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và biết một đối tượng tên Đức ở Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đức đưa hồ sơ đóng phong bì cho Tùng đi giao cho những người hành nghề xe ôm khác. Những xe ôm này sẽ giao hàng đến tận tay khách thông qua số điện thoại được ghi trong phong bì.
Tùng được Đức đưa cho 1 thẻ ATM mang tên Vũ Đình Đức. Khi nào Đức thông báo cho Tùng rút tiền, Tùng mới rút hết tiền trong tài khoản và giao lại cho Đức.
Với mỗi hồ sơ chuyển đi, Tùng được Đức trả công 150.000 đồng, sau đó, Tùng chia lại cho mỗi “xe ôm” khoảng 40.000 – 50.000 đồng/bộ.
Bên cạnh đó, mỗi lần Tùng mang tiền rút từ cây ATM về, Đức còn trả thêm Tùng từ 300.000-400.000 đồng.
Thủ đoạn qua mắt lực lượng chức năng
Từ những tài liệu thu thập được, Công an quận Hoàng Mai mật phục, bắt giữ Đức khi đối tượng đang giao hàng cho Tùng để chuyển cho khách.
Tang vật các đối tượng dùng để làm giả các loại bằng |
Cơ quan công an quận Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra phòng 902 - CT2B - KĐT Tân Tây Đô của Thắng, phát hiện Nguyễn Văn Cảnh (SN 1986, ở huyện Thanh Miện, Hải Dương) đang có mặt trong phòng để “chế tác” các loại giấy tờ, bằng cấp giả.
Tại đây, công an quận Hoàng Mai thu giữ tang vật liên quan đến việc làm giả gấy tờ, bằng cấp cùng các giấy tờ bằng cấp của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề.
Thắng khai thuê Cảnh làm bằng cấp, giấy tờ giả với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Căn phòng 209 - CT2B - Tân Tây Đô được Thắng thuê làm nơi làm giả con dấu, tài liệu.
Quá trình mở rộng điều tra, Thắng khai nhận có mối liên hệ với người đàn ông tên Dũng. Được biết, Dũng là người trực tiếp nhận làm các loại bằng Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, PTTH từ khách với giá từ 3,5 triệu-5 triệu đồng. Thắng nhận “hàng” lại từ Dũng với giá từ 1 - 2 triệu đồng/bộ, gồm bằng, bảng điểm, học bạ và bản sao công chứng.
Hiện công an quận Hoàng Mai đang hoàn tất hồ sơ để xử lý các đối tượng trong đường dây mua bán giấy tờ, bằng cấp giả mạo theo quy định pháp luật./.
(Tên người trình báo đã được thay đổi)
Cán bộ nội vụ cầm đầu đường dây làm bằng giả