Chiêu trò lừa đảo vụ cán bộ Eximbank ôm hơn 245 tỷ đồng của khách
Làm giả ủy quyền của khách hàng, Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank TPHCM đã chiếm đoạt của khách 245 tỷ đồng
Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an) cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 245 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM.
Ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc Eximbank (chi nhánh TPHCM). (Ảnh báo Lao Động) |
Tuy nhiên, ông Hưng tự ý làm giả ủy quyền của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Giấy ủy quyền của bà Bình ủy quyền cho 2 cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân nhưng bà Bình không biết hai người này.
Với thủ đoạn trên, ông Hưng chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của bà Bình. Theo kết quả điều tra giai đoạn 1 của cơ quan công an, hành vi lừa đảo của ông Hưng xảy ra từ năm 2014 đến 2017. Khi vụ việc bị phát giác, ngân hàng Eximbank đã chủ động gặp bà Bình để tìm hướng tháo gỡ và cũng chính ngân hàng này tố cáo ông Hưng với C44.
Ông Lê Văn Quyết - Giám đốc Eximbank cho biết: “Ông Hưng đã trốn và bị phát lệnh truy nã quốc tế. Ngoài ra, qua giám định của C44, thì chữ ký của người ủy quyền do chị Bình ký sẵn là có thật còn người được ủy quyền có chữ ký thật nhưng cũng có chữ ký không thật. Hội đồng quản trị cũng đã họp và tìm hướng giải quyết vụ việc. Quan điểm ngân hàng là kinh doanh trên uy tín nên quyền lợi hợp pháp của khách hàng phải đảm bảo. Tuy nhiên, mới là kết luận từ cơ quan công an nên chưa thể giải quyết yêu cầu sớm trả lại tiền của bà Bình mà cần phải có phán quyết từ toà án”.
Theo Tiến sỹ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia tài chính ngân hàng: “Đòi được tiền không dễ. Bị hại không dễ đòi được tiền ngay vì phải theo quy định nhất định của pháp luật. Phía Ngân hàng Eximbank cho rằng khi nào có phán quyết của tòa án thì mới có trách nhiệm chi trả. Tôi cho rằng đây là cách làm đúng của ngân hàng bởi rõ ràng, khi bị mất tiền thì bị hại sẽ gửi đơn ra tòa án để đòi, đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của ngân hàng mà còn liên quan đến việc tính toán như thế nào. Chỉ có tòa án mới tính toán và phán quyết theo quy định của pháp luật. Do đó Eximbank phải chờ phán quyết của tòa án là vì vậy”.
Cũng theo Tiến sỹ Tuệ, đây là giao dịch dân sự, khi bị hại gửi đơn ra tòa án để đề nghị phán xét, phía ngân hàng cũng không từ chối trách nhiệm bồi thường. Nếu 2 bên thương lượng được thì không cần đến tòa án; nhưng khi hai bên không thể “ngồi lại với nhau” thì tòa án là cơ quan phán xử.
Còn việc đòi được tiền nhanh hay chậm lại là chuyện… hên xui, vì theo quy định của tòa án thì phải theo trình tự, trong khi đây lại là số tiền lớn nên cần phải có thời gian. Nếu Hội đồng quản trị Eximbank quyết thực hiện việc chi trả đó, nhưng trong quá trình chi trả nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ gây khó khăn trong việc giải quyết thuế, nghĩa vụ của nhà nước… nên cơ sở để trả tiền cho bị hại chỉ có thể do tòa án quyết định.
Cũng về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TPHCM lại cho rằng ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền cho bị hại. Quan điểm các chuyên gia khác nhau như vậy nên cách hợp lý nhất có lẽ là một phán xử của tòa án./.
Tạm giữ nữ cán bộ ngân hàng giả mạo chứng từ chiếm đoạt hơn 8 tỷ