Chín năm tù cho tội lừa đảo sổ đỏ
VOV.VN - Ở cái tuổi 54, chấp nhận bản án 9 năm tù, nữ phạm nhân Nguyễn Thúy Hồng biết rằng cuộc đời mình đã trải qua đáy cùng của sự tủi nhục...
Con gái thương nhớ!
… Mùa hè lại đến rồi trên mảnh đất trại giam, mẹ xa con và Cún cũng đã tròn 3 năm. Một khoảng thời gian không ngắn, nhưng cũng chưa thể nói là dài. Biết bao những thăng trầm biến cố đã đến với mẹ, cộng với nỗi nhớ thương xa cách, những day dứt ân hận trong lòng. Từng đêm, giấc ngủ đến trong mẹ chẳng một chút bình yên…
… Những dòng thư chất chứa nỗi nhớ, niềm thương này được phạm nhân Nguyễn Thúy Hồng viết ra trong nhiều đêm mất ngủ. Khi màn đêm lạnh lẽo buông xuống, cũng chính là lúc nữ phạm nhân này trăn trở nỗi nhớ mong về con gái, về người cháu ngoại bé bỏng, cũng như về chính cuộc đời mình.
Nữ phạm nhân Nguyễn Thúy Hồng trải lòng tâm sự cùng phóng viên
Ở cái tuổi 54, nhưng trên khuôn mặt của nữ phạm nhân Nguyễn Thúy Hồng mang đầy sự khắc khổ. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng cuộc đời của người đàn bà này buồn như mùa thu trút lá… Lập gia đình khi còn rất trẻ, nhưng Hồng lại có cuộc hôn nhân đầy trắc trở và bất hạnh. Do người chồng “dính” vào nghiện ngập, lại phá phách đã đẩy cuộc sống của Hồng lâm vào cảnh… "chị Dậu". Mặc dù cố gắng khuyên nhủ để “giữ bố cho con”, nhưng sự chịu đựng của Hồng chỉ có giới hạn. Để giải thoát cho chính mình, Hồng đã phải đâm đơn ly hôn ra tòa một cách đơn phương.
Bỏ lại sau lưng tất cả, Nguyễn Thúy Hồng thân cò lặn lội ôm con thơ lên tận vùng biên giới kiếm sống. Từ kéo xe thuê, đến “cõng” hàng lậu vượt biên, miễn có tiền để nuôi con ăn học là Hồng làm.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, dù cuộc sống còn lận đận, nhưng mái ấm nhỏ bé của Hồng và cô con gái luôn ngập tràn tiếng cười. Thế rồi cũng giống như mẹ, cô con gái của Hồng cũng lập gia đình từ khi còn rất trẻ. Sau bao vất vả, Nguyễn Thúy Hồng cũng lên chức bà ngoại. Cứ tưởng trải qua bao biến cố thăng trầm cuộc đời, Nguyễn Thúy Hồng có thể hưởng chút an nhàn, nhưng số phận đã không buông tha cho người đàn bà này. Giông bão cuộc đời liên tiếp ập đến với gia đình bé nhỏ của Hồng.
Đó là vào một đêm mưa tầm tã, Nguyễn Thúy Hồng mở toang cánh cửa đón cô con gái và đứa cháu ngoại về nương náu. Vết xe đổ ngày nào của Hồng đã bị đứa con gái duy nhất của mình dẫm lại, khi cuộc hôn nhân không tròn. Và khi đã vào đường cùng của sự túng thiếu, Hồng đã phải bán đi cả “chỗ chui ra, chui vào” của 3 mẹ con, bà cháu. Túng quẫn hơn, Hồng đã dùng sổ đỏ giả để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền là 200 triệu đồng. Hành vi này đã khiến Hồng phải trả giá bằng bản án 9 năm tù.
Hồng kể lại: “Khi tòa tuyên án cảm thấy rất ân hận. Nhìn thấy con thấy cháu mà cảm thấy xấu hổ… Tôi rất ân hận, không biết làm thế nào cả vì mình sai thì mình phải chịu thôi. Đó là cái giá mình phải trả”.
9 năm tù là bản án đủ để nữ phạm nhân Hồng nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều điều
Từng giờ, từng phút cứ chậm trôi nơi trại tạm giam với Nguyễn Thúy Hồng. Có những lúc cả tâm hồn và thể xác của người đàn bà này dường như cạn kiệt khi nghĩ về con, về cháu. Những lúc như thế, Hồng mới cảm nhận được ranh giới của tự do và tù tội đến nhường nào. Hồng than thở, giá như mình không làm cái việc khốn cùng ấy thì dù có vất vả thế nào thì mẹ con, bà cháu vẫn hàng ngày có nhau. 9 năm tù với những người trẻ tuổi phạm tội đã thấy đủ dài, đủ nhục nhã, còn với mình thì thời gian ấy bằng cả một cuộc đời.
Càng nghĩ càng quẩn, Hồng đã bỏ ăn, bỏ uống và ngồi khóc trong bốn bức tường giam lạnh lẽo: “Khi bị bắt lúc nào cũng nghĩ về cháu ngoại, nhớ cháu nên chỉ biết khóc. Khóc sưng hết cả mắt không ăn không uống gì. Hồi đó tôi ở tạm giam cán bộ còn bắt tôi ký vào biên bản tuyệt thực vì không thiết ăn thiết uống, vì lúc ấy tôi bị bắt tôi rất sốc”.
Những ngày đầu chấp hành án tại trại giam Ninh Khánh, dù không còn suy sụp như khi ở trại tạm giam, nhưng nữ phạm nhân này vẫn luôn cảm thấy ngột ngạt và bế tắc trong suy nghĩ. Gắng gượng và nhẫn nhịn để nuôi hy vọng đoàn viên với gia đình luôn là phương châm sống của Nguyễn Thúy Hồng.
May mắn thay, trên mảnh đất Ninh Khánh, những cán bộ quản giáo ở đây coi phạm nhân như những người thân của mình, nên Hồng dần dần xóa bỏ được mặc cảm tội lỗi và khát khao được hoàn lương.
Hồng tâm sự: “Lúc tuyên án 9 năm ở đó tôi không cảm thấy sốc nhưng về trại giam, lúc ấy tôi mới khóc. Cũng bỏ ăn mất mấy ngày vì nghĩ cái tuổi tôi lúc ấy gần 50 rồi. Trong trại tạm giam thì toàn các cháu nó tuổi 8X, 9X, làm gì có đầu 6 như tôi đâu. Lúc đấy cảm thấy chống chếnh, cũng hụt hẫng và cảm thấy sợ”.
Khi chúng tôi nhắc đến Hà Nội, trên khuôn mặt của nữ phạm nhân này đượm nét suy tư. Hồng kể, dù đã xa Hà Nội từ rất lâu, nhưng những gì thân thuộc của Hà Nội thì chưa lúc nào phai nhòa trong ký ức. Nhất là khi đã đi được hơn nửa chặng đường đời của mình, mọi giông bão đắng cay cũng đã nếm đủ, thì những điều thân thuộc ấy càng trở nên đáng quý hơn bao giờ hết.
Với đôi mắt buồn xa xăm, nữ phạm nhân này chia sẻ: “Chúng tôi ở trong này nhiều khi xem truyền hình cứ quay đến các tuyến phố của Hà Nội là nhớ nhà. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên là mọi phố phường của Hà Nội nắm trong lòng bàn tay. Nhiều khi xem phim nói đến 1 góc phố hay 1 con đường nào đó cổ kính chẳng hạn, thì bất kể có buồn ngủ tôi cũng phải cố xem bằng được".
Tạm gác lại những ký ức tươi đẹp về Hà Nội. Tạm gác lại những giấc mơ còn dang dở một thời thiếu nữ, bất chợt cả tấm thân héo gầy của nữ phạm nhân đổ sụp xuống bàn khi chạm vào tình mẫu tử. Những giọt nước mắt vì nhớ thương con, cháu cứ lăn dài trên gò má đồi mồi. Hồng tự hỏi, rồi cũng tự mình trả lời những câu hỏi. Không biết ở ngoài kia, con và cháu của mình sẽ vật lộn với cuộc mưu sinh vì cơm – áo – gạo – tiền như thế nào? Không biết chúng có đủ sức để mà chống chọi khi phải nuôi bố nghiện ngập, mẹ thì ngồi tù?
Con gái của mẹ!
...Phải xa con giữa lúc con đang cần có mẹ bên cạnh đỡ đần, là bờ vai cho con dựa vào mỗi khi con có những nỗi niềm cần chia sẻ trong lòng làm mẹ buồn và thương con biết bao nhiêu. Đó là nỗi day dứt, là điều ân hận lớn nhất trong đời mẹ.
… Cái ngày chia ly định mệnh ấy luôn khắc sâu trong tâm trí mẹ mỗi khi mẹ nhớ và nghĩ đến hai mẹ con con. Hình ảnh ấy mẹ quên sao được. Giữa đường phố ngược xuôi xe cộ, mẹ nhìn thấy con đang phóng xe đi gặp mẹ, khi đó ở làn đường bên này trong chiếc xe đặc chủng của công an cũng bắt đầu nổ máy đưa mẹ đi lên quận.
… Đau đớn làm sao, cùng một khoảng trời, vẫn con phố ấy mà giờ đây mẹ phải xa con khi ranh giới cách chia là 2 từ “xuôi, ngược”. Hai chữ “tự do” sao mẹ thấy khát thèm đến thế. Ân hận thì cũng đã quá muộn khi mẹ đã ở nửa bên kia của cuộc đời.
… Hơn 1.000 ngày phải sống xa con và cún, sự nhớ thương, lo lắng cộng với bao day dứt, ân hận trong lòng mẹ. Mẹ càng thấy thương con và cún bao nhiêu thì cũng giận chính mình bấy nhiêu. Xin lỗi con, Hà ơi, mẹ thật lòng xin lỗi. Khi con đang cần có mẹ bên cạnh để chia sẻ, an ủi, giúp con đứng vững trước giông bão cuộc đời, khi con thuyền hạnh phúc của con vẫn chưa tìm được bến đỗ, khi biết bao khó khăn trong cuộc sống đời thường đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của con, mẹ lại không ở cạnh.
… Giờ đây, niềm hi vọng của mẹ là hai mẹ con con đấy. Con và cún sẽ là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên thật lớn cho mẹ có thêm nghị lực để mẹ vượt qua chặng đường vẫn còn gian nan và đầy thử thách này. Mẹ vẫn chưa về với con được Hà ơi – Gần gũi thế mà xa xôi quá vậy. Số phận không mỉm cười với mẹ, vậy nên mẹ luôn mong con hãy vượt lên chính mình, con nhé!
… Hãy hiểu cho mẹ con gái nhé! Tạm biệt hai mẹ con con!./.