Chơi chứng khoán lấy tiền cho sếp tiếp khách?
Bị cáo khai đầu tư chứng khoán là theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty để lấy lãi cho sếp đi ngoại giao.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa hoãn xử vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN - PVFI, vì một trong hai bị cáo có đơn xin hoãn xử.
Hai bị cáo trong vụ án gồm Vũ Thị Hồng Lan (cựu phó giám đốc PVFI Chi nhánh TP.HCM), Vũ Xuân Trường (cựu kế toán trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán công nghiệp VN - ISC, trụ sở tại TP.HCM).
Ảnh minh họa |
Thương vụ chứng khoán tiền tỉ
Vụ án gây chú ý khi từ đầu đến cuối bị cáo khai việc đem tiền công ty đi kinh doanh chứng khoán là theo chủ trương của lãnh đạo và số tiền lời được dùng làm chi phí ngoại giao cho các sếp.
Công ty PVFI có ngành nghề kinh doanh là: Đầu tư sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư trong và ngoài nước, tư vấn cổ phần hóa, nhận ủy thác đầu tư trong và ngoài nước, tư vấn mua bán, đầu tư trực tiếp. Công ty PVFI có chi nhánh tại TP.HCM và bà Lan làm phó giám đốc chi nhánh từ ngày 18-1-2010.
Tháng 3-2010, ông Kiều Hưng, Phó Tổng giám đốc PVFI và Tổng giám đốc Công ty ISC Trần Đức Thuận ký thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán. Theo đó, PVFI sẽ góp vốn đầu tư (một hình thức cho vay tiền) hợp tác ba bên với ISC và các khách hàng có tài khoản chứng khoán để đầu tư mua mã chứng khoán niêm yết tại ISC. Cuối năm 2013, hết thời hạn hợp tác, Công ty PVFI kiểm tra, phát hiện thông tin hồ sơ khách hàng có sự gian dối liên quan đến bị cáo Lan và Trường.
Cụ thể, Lan thông đồng với Trường tạo hồ sơ mở tài khoản mạo danh người khác, xác nhận khống sở hữu chứng khoán, giả chữ ký của chủ tài khoản để PVFI Chi nhánh TP.HCM tin tưởng ký kết hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết và đồng ý giải ngân, chuyển 16 tỉ đồng vào tài khoản của ISC. Từ đó Trường tạo điều kiện cho Lan rút tiền gây thiệt hại cho Công ty PVFI Chi nhánh TP.HCM hơn 3,2 tỉ đồng.
Sau đó, Lan và Trường bị khởi tố và truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khi hồ sơ chuyển qua TAND TP.HCM xét xử thì tòa đã từng trả hồ sơ nhiều lần yêu cầu điều tra bổ sung xem xét chủ trương, trách nhiệm của nhiều cá nhân khác trong PVFI liên quan trong vụ việc.
Làm theo chỉ đạo của sếp?
Quá trình điều tra, bị cáo Lan cùng Lê Xuân Tân (cựu kế toán trưởng - phó tổng giám đốc PVFI) khai rằng lãnh đạo công ty này có chủ trương kinh doanh chứng khoán bằng tài khoản cá nhân để lấy lãi cho ban lãnh đạo làm chi phí ngoại giao.
Cụ thể, khoảng tháng 3/2010, Lan, Tân được chỉ đạo vay của Công ty Chứng khoán SME (trụ sở tại Hà Nội) khoảng 20 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán cá nhân. Đến tháng 3/2011, việc đầu tư bị thua lỗ nhiều tỉ đồng. Cùng lúc này, Công ty SME bị Bộ Công an điều tra nên yêu cầu trả nợ. Đồng thời hai lãnh đạo PVFI chuyển công tác, thoái thác trách nhiệm việc chỉ đạo đầu tư tại SME. Từ đó Tân có trao đổi với Lan trực tiếp liên hệ Công ty ISC để làm thủ tục vay tiền chuyển cổ phiếu nhưng Tân khai Lan thực hiện thế nào thì không rõ.
Bị cáo Lan khai không chiếm đoạt tiền cho cá nhân, tất cả làm theo chủ trương và chỉ đạo của ban lãnh đạo PVFI. Thực tế, từ việc thua lỗ đầu tư kinh doanh chứng khoán tại SME nên sau khi rút tiền từ ISC 16 tỉ đồng cũng chỉ là trả nợ cho công ty. Việc bị cáo đầu tư chứng khoán cá nhân như trên là nhằm để lấy lãi cho lãnh đạo công ty chi phí ngoại giao.
Còn bị cáo Trường có thừa nhận khi có yêu cầu xem xét việc Lan chuyển cổ phiếu từ SME đến công ty mình đã có hành vi tạo dựng hồ sơ khống không đúng quy định. Nhưng thực hiện vì sợ có khả năng Công ty PVFI sẽ giảm hạn mức tiền đầu tư tại Công ty ISC. Hơn nữa Trường tin tưởng Lan đã trao đổi với lãnh đạo và việc kinh doanh sẽ suôn sẻ… Quá trình điều tra, hai bị cáo Lan và Trường đã khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Lan năm năm tù và Trường ba năm tù. Theo tòa, bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm cá nhân về khoản thiệt hại gây ra cho công ty; Trường có vai trò đồng phạm thứ yếu giúp sức cho Lan.
Vì sao không khởi tố các sếp của PVFI?
Đối với lãnh đạo Công ty PVFI, sau nhiều lần tòa sơ thẩm trả hồ sơ thì VKS cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm không đủ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân. Cụ thể là ông Kiều Hưng, Phó Tổng giám đốc; Chu Xuân Lai, Tổng giám đốc và Hà Thái Sơn, Giám đốc chi nhánh. Theo VKS, ông Hưng, ông Lai khai không chỉ đạo cho Lan, Tân vay tiền Công ty SME để đầu tư chứng khoán cá nhân lấy lãi cho ban giám đốc chi phí ngoại giao. Do từ ngày 15-8-2010 và đầu năm 2011, hai ông đã có quyết định chuyển công tác, không còn ở Công ty PVFI nên không thể chỉ đạo như lời khai của Lan và Tân.
Còn ông Sơn cho rằng với tư cách chi nhánh trong quá trình ký duyệt hợp đồng hợp tác đầu tư của các tài khoản chứng khoán, ông không được bất cứ ai liên hệ, tác động để duyệt hồ sơ đầu tư, giải ngân…
Đối với ông Tân, tòa đã yêu cầu điều tra, xem xét trách nhiệm liên quan trong việc trả tiền vay cho SME nhưng VKS và CQĐT vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Do giới hạn của phạm vi xét xử nên HĐXX sơ thẩm kiến nghị cấp phúc thẩm tiếp tục điều tra làm rõ để xem xét nếu đủ căn cứ xử lý theo quy định pháp luật./.