Cô giáo bắt học sinh quỳ có cấu thành tội làm nhục người khác?
VOV.VN - Theo luật sư, tùy động cơ, mục đích, tổn thương tâm lý của học sinh bị bắt quỳ để có biện pháp xử lý hành chính, hình sự về tội làm nhục người khác.
Liên quan đến vụ việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở Long An, một số ý kiến cho rằng, hành vi của nhóm phụ huynh có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 và hành vi của cô giáo bắt học sinh quỳ thì xử lý như nào theo quy định của pháp luật?
Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, Long An, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người Lao Động. |
Quan điểm của luật sư, nếu đưa vụ việc phụ huynh ép buộc cô giáo phải quỳ ra xử lý trước pháp luật thì cũng phải xem xét đến hành vi của cô giáo đã “dạy bảo” nhiều cháu học sinh bằng hình thức bắt quỳ phạt. Bởi lẽ, nguyên tắc quan trọng trong thực thi công lý “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” đã được Hiến pháp quy định.
Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định “ Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Theo Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Do đó, sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đặc biệt là các điều 23 và 24), trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đặc biệt là điều 10), trong những quy chế và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em.
Như vậy, có thể thấy trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Xét hành vi của cô giáo, nếu có căn cứ xác định như lời các phụ huynh phản ánh cô N. phạt học học sinh quỳ gối nhiều lần, có lần 10 phút, có lần cả tiết học (lúc phạt cá nhân, lúc phạt tập thể), phạt cả những em ngoan, cô dùng thước đánh vào tay học sinh, gọi học sinh là thằng... Đây là nguyên nhân gây bức xúc cho các phụ huynh dẫn tới sự việc bắt cô giáo quỳ nhận lỗi như cô đã bắt các cháu làm.
Về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh phải quỳ gối có thể theo cô giáo là cách “dạy bảo” nhưng về mặt pháp luật đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Dù các cháu còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh thì việc cô giáo bắt học sinh quỳ gối với nhiều học sinh và xảy ra trong suốt một thời gian dài nên đã gây rất bức xúc cho các phụ huynh.
Theo quan điểm của luật sư, tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về tâm lý, cũng như danh dự nhân phẩm của các cháu học sinh mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật./.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên.
b) Đối với 02 người trở lên.
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
d) Đối với người đang thi hành công vụ.
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phụ huynh ép cô giáo quỳ xin lỗi bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo Đảng
Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh: “Còn ai muốn đi làm giáo viên nữa!“
Làm gì để thu hút người giỏi cho ngành sư phạm?